ThienNhien.Net – Chưa hết bàng hoàng sau trận lũ lịch sử đầu tháng 10, người dân lam lũ miền Trung lại phải hứng chịu thêm một đợt mưa lũ dữ dội không kém trong những ngày qua. Cùng thời điểm này, siêu bão Megi đang tiến sát biển Đông, với sức gió giật cấp 17.
Tang thương vùng lũ
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, kết hợp với đới gió Đông hoạt động trên cao phát triển cùng với rìa phía Bắc của dải hội tụ nhiệt đới và vùng thấp ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, từ ngày 14/10 đến đêm 15/10, trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Mưa lớn đã khiến mực nước các sông, suối ở ba tỉnh trên lên rất cao, vượt mức báo động 3, gây lũ quét ở các xã vùng thượng, làm ngập lụt và cô lập các xã vùng hạ, đồng thời chia cắt giao thông nhiều nơi.
Đặc biệt, nước từ thượng nguồn đổ về đập Khe Mơ (xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cao hơn mức an toàn đến 1m đã gây ra vỡ đập vào lúc 7h sáng ngày 16/10, làm nhấn chìm nhiều căn nhà ở hạ lưu. Toàn bộ diện tích lúa, hoa màu chưa kịp thu hoạch của dân chìm trong biển nước.
Không dừng lại ở đó, mưa lớn tiếp tục kéo dài trong hai ngày 16-17/10, làm mực nước sông càng lên cao, ba tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình gần như bị cô lập trong lũ, giao thông tê liệt, quốc lộ 1A chạy qua các tỉnh này phải ngưng hoạt động.
Ngay trong đêm 16/10, Quảng Bình buộc phải sơ tán 10.000 dân đến nơi an toàn.
Theo thống kê mới nhất từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, mưa lũ từ ngày 14 đến 17/10 đã làm 20 người chết, trong đó Nghệ An 8, Hà Tĩnh 10, Quảng Bình 2. Ngoài ra tại Thừa Thiên – Huế có một người chết và 2 người mất tích do lốc và bất cẩn khi đi qua sông. Toàn khu vực có 152.000 nhà ngập, trong đó hơn một nửa là tại Hà Tĩnh. Hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, thủy sản bị ngập nặng, nhiều tuyến giao thông sạt lở nghiêm trọng… Ước tính thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Riêng Hà Tĩnh có 105 xã bị ngập sâu và chia cắt hoàn toàn. Tuyến đường sắt Bắc Nam cũng đang bị ngập tại 14 điểm.
Đến rạng sáng 18/10, mưa đã giảm, các từ tỉnh Hà Tĩnh trở vào mưa nhỏ, từ phía Nam Thanh Hóa đến Nam Nghệ An có mưa vừa. Một vài đoạn Quốc lộ 1A đã được thông xe.
Cấp bách ứng phó mưa lũ
Ngay khi mưa lũ vừa xảy ra, ngày 16/10, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có công văn yêu cầu Ban chỉ huy
phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam thực hiện nghiêm túc Công điện số 30/CĐ-PCLBTW ngày 14/10/2010 của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có Công điện khẩn yêu cầu UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An chủ động phòng tránh, hạn chế thấp nhất thiệt hại, huy động mọi lực lượng, phương tiện sơ tán dân ở vùng ven sông, vùng bị ngập sâu, vùng lũ quét và có nguy cơ sạt lở; lên phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa nước.
Thực hiện chỉ đạo trên, lãnh đạo các tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra tình hình mưa lũ, nhanh chóng di dời dân tại các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, yêu cầu các đơn vị quản lý công trình thủy lợi trọng điểm tiến hành xả lũ, bố trí lực lượng canh giữ tại các tuyến đường bị ngập úng, tuyệt đối không để người dân qua lại tại các tuyến đường bị ngập sâu, thông báo cho học sinh được nghỉ học…
Cũng trong ngày 16/10, nhiều đoàn công tác của các Bộ, ngành và Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã đi kiểm tra, hỗ trợ các tỉnh miền Trung ứng phó với mưa to, lũ lớn đang diễn biến phức tạp.
Lũ vẫn lên cao và bão ập tới
Theo tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đêm ngày 17, rạng sáng ngày 18/10, mưa đã giảm, từ tỉnh Hà Tĩnh trở vào mưa nhỏ, từ phía Nam Thanh Hóa đến Nam Nghệ An có mưa vừa, một số nơi còn mưa to. Vì vậy, lũ trên các sông ở Nghệ An đang lên, các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đang xuống.
Dự báo, lũ trên các sông ở Nghệ An tiếp tục lên, hạ lưu sông La xuống chậm và còn duy trì ở mức cao; sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và các sông ở Quảng Bình tiếp tục xuống. Tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng ở các lưu vực sông từ Nghệ An đến Hà Tĩnh vẫn tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Do đó, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tỉnh Nghệ An.
Trong khi đó, trên khu vực vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines), một cơn bão rất mạnh (có tên quốc tế là Megi) đang hoạt động và đã trở thành siêu bão với sức gió giật cấp 17.
Hồi 07 giờ ngày 18/10, vị trí tâm bão Megi ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 123,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 17 (tức là từ 202 đến 221 km một giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 15 – 20km. Như vậy khoảng chiều tối và đêm 18/10, bão Megi sẽ đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông.
Sau đó, bão sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và Tây Tây Bắc, tiến về phía quần đảo Hoàng Sa, với sức gió mạng cấp 14, giật cấp 16, 17 và có khả năng sẽ mạnh dần lên.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 17. Biển động dữ dội.
|