ThienNhien.Net – Trong những ngày qua, khi cả nước đang tưng bừng trong các lễ hội chào đón Thủ đô ngàn năm tuổi, tại các huyện ngoại thành Hà Nội và nhiều vùng quê ở đồng bằng Bắc Bộ, bà con nông dân đang hối hả vào mùa thu hoạch lúa. Một mùa đốt rạ hun khói nữa… lại đến.
Vào những ngày này nếu ai đi qua tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, quốc lộ 1A đoạn qua Hà Nam, Ninh Bình, quốc lộ 21A qua Nam Định, Hà Nam, 21B qua các huyện ngoại thành Hà Nội, quốc lộ 39 qua Hưng Yên, Thái Bình… sẽ thấy những cột khói trắng xóa nghi ngút bốc lên từ những cánh đồng nằm ven đường quốc lộ.
Việc đốt gốc rạ lấy tro bón cho đồng ruộng được đúc kết từ xa xưa theo kinh nghiệm lâu đời của nhà nông. Gốc rạ được đốt ngay trên cánh đồng, nơi chỉ đôi ba ngày trước còn vàng ươm màu lúa chín. Mùi khói rơm rạ mang một hương vị đặc trưng của cánh đồng, cũng là sự báo hiệu kết thúc mùa vụ cũ.
|
Nhưng trong cuộc sống hiện đại, nhà cửa san sát hơn, đường xá và xe cộ dày đặc hơn, con nguời đông hơn, khói rạ trở thành nỗi phiền toái, gây khó chịu cho nhiều người, đặc biệt những người dân thành phố, nơi cuộc sống vốn đã chen chúc ngột ngạt, nay lại bị trùm trong màn khói đến ngộp thở. |
Cái sự ưa tiện của một số bà con nông dân đôi khi bị đẩy thành tùy tiện, thế này thì đến các nhà quản lý cũng phải lắc đầu. |
Rồi thì khói cũng tan, sau những phút xả hơi ngắn ngủi của nhà nông, mùa vụ mới lại bắt đầu. Tôi chợt nghĩ, không biết các nhà nghiên cứu khí hậu xếp cái việc đốt rơm rạ này vào mục thứ bao nhiêu trong cái danh sách dài dằng dặc những nguồn phát thải khí nhà kính? Cái mùi khói rạ ấy, thiếu thì sẽ rất nhớ, nhưng có lẽ, cũng đã đến lúc phải cải tiến, để phù hợp hơn với một không gian sống ngày càng thu hẹp. |