Triển khai Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia

ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo và đôn đốc các địa phương thực hiện Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020.


Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát nội dung, đề xuất giải pháp khả thi thực hiện chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính Phủ.

Trước đó, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 578/QĐ-TTg ngày 08/06/2009. Theo đó, sẽ đầu tư khoảng 175.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, ODA và các nguồn vốn huy động khác để nâng cấp các đô thị từ loại IV trở lên trên toàn quốc, tập trung cải tạo nâng cấp các khu dân cư thu nhập thấp và các khu vực đô thị chưa đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, về nhà ở và khu vực dự báo đến năm 2020 có mật độ xây dựng cao.

Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, số lượng đô thị toàn quốc đã tăng lên nhanh chóng. Đến nay cả nước có 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), 9 đô thị loại I, 12 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 41 đô thị loại IV và 643 đô thị loại V (chiếm 86%).

Tuy con số đô thị lớn như vậy, nhưng sự phân bố giữa các loại đô thị lại thể hiện sự mất cân đối lớn, đặc biệt là giữa các đô thị IV và V. Có địa phương sau 15 năm không có sự tăng trưởng nào về số lượng đô thị (Điện Biên, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh…). Có địa phương số lượng đô thị tăng đột biến (Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang, Bình Định…).

Mặt khác, quá trình nâng cấp, phát triển đô thị đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập. Ở hầu hết các đô thị, tốc độ đô thị hóa nhanh đã gây quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Nhiều khu vực đầu tư trùng lặp, phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tình trạng thiếu đồng bộ của hệ thống cấp nước, thoát nước, thu gom và xử lý chất thải rắn, hệ thống giao thông và nhà ở, các khu nghèo lụp xụp và các khu dân cư sống ở nơi không an toàn vẫn còn tồn tại trong đô thị.

Do vậy, việc rà soát nội dung, đề xuất giải pháp khả thi thực hiện Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia là hết sức cần thiết.