ThienNhien.Net – "Cần quan tâm hơn đến vùng đa dạng sinh học Mê Kông" – đây là thông điệp, cũng là lời kêu gọi từ bản báo cáo mới nhất của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên vừa được công bố, hướng đến Hội nghị các nước thành viên Công ước Đa dạng sinh học lần thứ 10.
Bản báo cáo tổng hợp lại danh sách các được phát hiện cho tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng năm 2009, theo đó có 145 loài mới. Như vậy, trung bình mỗi tuần tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (gồm tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam) có thêm ba loài mới được khoa học ghi nhận.
Những con số đầy ý nghĩa này là chứng cứ để các nhà khoa học tiếp tục khẳng định rằng Mê Kông vẫn luôn là một trong những điểm nóng đa dạng sinh học có tầm quan trọng nhất hành tinh.
Trong số 145 loài được phát hiện trong năm qua, có 96 loài thực vật, 26 loài cá, 2 loài chim, 10 loài bò sát, 6 loài lưỡng cư và 5 loài thú. 21 loài trong số này được phát hiện ở Việt Nam. Một số loài nổi bật như: Cây ăn thịt cao tới 7 mét, cá có kiểu răng nanh ma cà rồng hay loài ếch phát tiếng kêu của dế.
Bên cạnh những nội dung thú vị về các loài mới, bản báo cáo cũng rung hồi chuông nhắc nhở về nguy cơ mất đi các hệ sinh thái và các loài sinh vật ở Mê Kông. Sự (gần như) tuyệt chủng của loài tê giác Java tại Việt Nam là một bằng chứng sống động và rất đáng tiếc về bảo tồn.
Báo cáo của WWF cũng đưa ra gợi ý cho các chính phủ khu vực Mê Kông về cơ hội sử dụng nguồn tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) để thúc đẩy công tác bảo tồn trên quy mô rộng.
Được biết, WWF sẽ tận dụng cơ hội tại Nagoya sắp tới để đề xuất GEF tài trợ cho một chương trình bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới cho cả tiểu vùng.
Hình ảnh một số loài được phát hiện trong năm 2009:
Loài cá sống bám đá này thuộc chi Oreoglanis. Chúng có những răng lớn nhọn và trên môi có rãnh khía. Các nhà khoa học tìm thấy chúng ở các vùng suối nước chảy xiết của Thái Lan. (Ảnh: Nonn Panitvong)
Loài cây nắp ấm khổng lồ có tên khoa học Nepenthes bokorensis, cao tới 7m. Chúng được phát hiện ở vùng núi Bokor thuộc phía Nam Cam-pu-chia. Rễ của loài cây này được người dân địa phương dùng làm thuốc giảm đau cho phụ nữ mang thai. (Ảnh: François Mey)
Năm qua các nhà khoa học đã tìm ra 26 loài cá mới cho vùng Mê Kông, trong đó có loài cá đốm có tên khoa học Danio tinwini. Chúng được phát hiện ở vùng thượng nguồn sông Mogaung Chaung của Myanmar. (Ảnh: Sven Kullander)
Năm qua, các nhà khoa học chỉ phát hiện hai loài dơi mới. Loài dơi có tên khoa học Murina eleryi này sống ở vùng vúi đá vôi thuộc miền Bắc Việt Nam.(Ảnh: Neil Furey)
Pycnonotus Hualon – loài chim chào mào đặc biệt có cái đầu trụi này từng được ghi nhận từ 15 năm trước, nhưng gần như người ta không còn nhìn thấy chúng. Chúng sống ẩn mình trong những cánh rừng già trên núi đá vôi ở miền Trung của Lào. Đây là loài chim hót có cái đầu hói duy nhất của châu Á. Cũng là loài chim chào mào đầu tiên của châu Á được ghi nhận trong cả thế kỷ qua. (Ảnh: Iain Woxvold)
Loài chuối mới Musa chunii này mới chỉ được phát hiện ở Khu bảo tồn Tongbiguan phía Tây tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Häkkinen)
Leptolalax applebyi – loài ếch có tiếng kêu của dế này được tìm thấy ở tỉnh Quảng Nam. Các nhà khoa học cũng đã phát hiện những dấu vết cho thấy chúng từng sinh sống ở vùng đầu nguồn nước, nơi có những cánh rừng thường xanh che phủ, ở độ cao 1.300 m so với mực nước biển. (Ảnh: Jodi Rowley)
Loài rắn nhỏ không có răng nanh này có tên khoa học Coluberoelaps nguyenvansangi – một loài mới, thuộc một giống mới hoàn toàn đối với khoa học. Nó là một trong 10 loài bò sát được phát hiện trong năm 2009 tại Mê Kông. (Ảnh: Nikolai Orlov)
Loài rắn đất có mang nọc độc này được tìm thấy tại vùng núi đá vôi thuộc Khu bảo tồn Trùng Khánh ở tỉnh Cao Bằng, Việt Nam. Màu sắc của chúng hài hoà trên màu nền của đá và cây, lá rụng khiến kẻ thù hoặc con mồi khó có thể phát hiện ra chúng. Chúng có tên khoa học Protobothrops trungkhanhensis (Ảnh: Nikolai Orlov)
Dixonius aaronbaueri – loài tắc kè tí hon này được phát hiện ở Vườn quốc gia Núi Chúa của Việt Nam (Ảnh: Ngô Văn Trí)
|