ThienNhien.Net – Ở Việt Nam, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong nhiều năm trở lại đây đã nhận được rất nhiều sự quan tâm cũng như việc đầu tư phát triển các hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt đến từng thôn bản, nhưng tình trạng khát nước sạch và ô nhiễm môi trường của một bộ phận không nhỏ người dân nông thôn vẫn diễn ra phổ biến.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện chỉ có 30% nước sinh hoạt ở nông thôn đạt tiêu chuẩn nước sạch do Bộ y tế đưa ra. Còn lại, hầu hết các khu vực nông thôn phải chịu cảnh nước sinh hoạt bị nhiễm các chất độc hại như arsen, fluor… từ các nhà máy, khu công nghiệp…, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân đặc biệt là đối với trẻ em.
Thêm vào đó là tình trạng các công trình nước sạch nông thôn bị xuống cấp, thiếu cán bộ vận hành có trình độ, một số trạm bơm nước không đảm bảo đã dẫn đến tình trạng rất nhiều công trình được xây dựng nhưng người dân vẫn không có nước sinh hoạt hợp vệ sinh để dùng.
Báo An Ninh Thủ Đô ngày 04/10/2010 cho biết năm 2008, nguồn nước và vệ sinh môi trường không đảm bảo đã cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người dân Việt Nam. Các ca tử vong chủ yếu là các bệnh về tiêu chảy, ngu cơ cao ở phụ nữ mang thai (32%) hoặc trẻ em dưới năm tuổi (khoảng 27%). Điều này càng góp phần làm gia tăng gánh nặng cho đời sống của người dân nông thôn vốn đã rất khó khăn.
Nhằm nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, đặc biệt là trẻ em, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng Đề án quản lý chất lượng nước sinh hoạt nông thôn, tiếp tục xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 3 từ năm 2011-2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 100% dân cư khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.