ThienNhien.Net – Nhìn từ xa dãy núi Con Voi vẫn sừng sững ngút ngàn như thách thức với thời gian, như một nơi nương tựa vững vàng cho bà con người Mông, Tày, Dao. Nhưng có tới nơi mới biết núi âm thầm mang trong mình những vết thương.
Ký ức thương tâm về thợ săn
Dưới tán rừng Con Voi quanh năm mây mù bao phủ là lớp lá rụng che kín mặt đất, có chỗ dày tới cả chục xen-ti-mét, là những con suối quanh năm nước chảy róc rách, những hang động nhỏ hình thành trong núi đá. Đó chính là nơi sinh sống của nhiều động vật hoang dã.
Từ xưa, thợ săn các xã Lâm Giang, Làng Thíp thuộc huyện Văn Yên của tỉnh Yên Bái và một số xã thuộc huyện Bảo Yên của tỉnh Lào Cai vẫn kéo nhau lên rừng săn thú. Cái thú đi tìm cảm giác chinh phục hoang dã nay đã giảm, nhưng số lượng thợ săn và sự ráo riết truy sát động vật của họ thì lại tăng,
Những câu chuyện hổ về làng bắt chó, lợn, bê của dân và bị phường săn vây bắt chỉ còn trong những câu chuyện truyền miệng về quá khứ rùng rợn nhưng cũng rất yêng hùng của ba mươi năm trước. Ông T. người dân xã Lương Sơn chép miệng: “Giờ lên rừng bẫy nhiều hơn thú, người lạ không biết mà vào đó không cẩn thận là người lại sa bẫy của người như chơi”
Trong giới thợ săn lão luyện trên dãy núi Con Voi mà người dân khắp vùng đều biết đến ông Triệu Nguyên Tư, với tài bắn sung săn bách phát bách trúng, hiện nay ông đang sống ở thôn Làng Khay. Ông có biệt danh là Tư Gấu vì trong đời săn thú rừng của ông đã bắn hạ hàng chục con gấu, chưa kể hươu nai và các loài thú rừng khác không tài nào đếm xuể. Rừng núi Voi từ Lang Thíp, Lâm Giang đến tận Khánh Hoà (Yên Bái), Long Khánh, Lương Sơn (Lào Cai) không chỗ nào là ông Tư Gấu không đặt chân tới. Nhưng nay ông Tư Gấu đã gác súng.
Dân thôn Làng Khay đến nay vẫn không thể nào quên được cái đêm kinh hoàng hơn chục năm về trước. Đêm đó hai người con trai ông Tư là Triệu Kim Tài và Triệu Kim Và rủ nhau vào rừng săn bắn, sau khi vào rừng hai anh em mỗi người đi một đường.
Nhưng không biết trời xui khiến thế nào hai anh em đi lòng vòng mãi đều tới khu rừng Đá Sạt. Thấy có gì động đậy trước mặt trong bụi rậm, tưởng con lợn rừng hay con gấu, hai anh em chĩa súng đã lên đạn vào con mồi mà họ đang rình bắn. Người em Triệu Kim Và nổ súng trước, sau tiếng nổ người anh Triệu Kim Tài ngã xuống và thất thanh kêu lên: Tao bị trúng đạn rồi…Người anh Triệu Kim Tài đã không qua khỏi khi bị hàng chục viên đạn nhỏ găm vào người.
Chúng tôi được biết, hiện nay trên núi cao thuộc dãy núi Con Voi một số người dân vẫn đi đặt bẫy lợn rừng, hươu, cầy hương…Với những chiếc bẫy làm bằng thép to như cái chuôi dao và có răng sắc nhọn thì con thú dù to khỏe đến mấy khi dính bẫy cũng không thể thoát thân. Chính những chiếc bẫy thú rừng đó đã khiến nhiều người đi rừng dẫm phải, gây ra những hậu quả không thể lường trước được.
Ông T. người dân xã Lương Sơn cho biết: “Một lần tôi cùng người hàng xóm vào rừng lấy chuối rừng về cho lợn ăn, đang chặt chuối thì nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh từ trên đỉnh núi vọng lại. Đoán là có người dính bẫy nên hai anh em tôi vội vàng đi theo hướng tiếng kêu cứu, sau gần 20 phút trước mắt tôi là ông Hoàng Văn Dương, người dân bản Vuộc, xã Lương Sơn đang dùng cán búa rìu cậy cái bẫy rộng tới 30 xăng-ti đang kẹp vào cẳng chân, xung quanh máu me be bét. Chúng rôi hì hục gần một giờ đồng hồ mới lấy được chiếc bẫy ra khỏi cẳng chân”.
Cũng do đi săn một mình bất cẩn nên ông Hoàng Văn Thạch, người bản Vuộc, xã Lương Sơn đã bị rơi xuống thác gãy chân, bất động trong rừng suốt một đêm, tới sáng hôm sau mới lết về được.
Công trường đá đỏ giữa rừng xanh
Nói rằng nơi này không có ngày bình yên cũng không sai. Nạn phá rừng, săn bẫy thú chưa giải quyết được, Con Voi lại sục sôi lên vì đá đỏ. Tôi cũng không thể ngờ rằng giấc mơ đá đỏ khiến người ta háo hức, sẵn sàng lăn xả đến vậy.
Cách bìa rừng thuộc địa phận Làng Chạp, xã Khánh Hòa, huyện Lục yên, tỉnh Yên Bái không xa, chỉ khoảng một tiếng cuốc bộ, chúng tôi đã chứng kiến cả trăm con người đang rầm rập đào xới. Không chỉ thanh niên trai tráng mà phụ nữ, trẻ em đều đủ cả.
Đứng trên những miệng giếng đá to hoác như hố bom, các ông chủ chỉ tay quát tháo, người ở dưới với cuốc, xẻng, xà beng đang hùng hục đục khoét vào bề mặt núi đá, vòi phun nước, máy nổ, đá đất, bùn…hỗn loạn hơn chợ vỡ.
Hầu hết những khe suối ở gần đều bị chặn để lấy nước phục vụ cho bãi đá. Nước được dẫn về qua các ống vầu. Nước bùn đỏ ngầu tràn ra suối, đỏ xuống tận khu dân cư ven quốc lộ 70, ra tận sông Chảy rồi đổ về hồ thủy điện Thác Bà. Những cây gỗ lớn hai người ôm bị chặt rễ nằm ngổn ngang như vừa trải qua trận bão lớn.
Rải rác quanh bãi đá là lán trại của những người lao động, lán cũng dựng nên từ thân vầu đốn ngay tại chỗ. Chúng tôi đang lân la hỏi han thì thấy mấy người đàn ông cỡ trung tuổi quần áo dính đầy bùn đất, chui từ dưới hang lên thở dốc. Nhìn họ, tôi nghĩ đến những kẻ hụp dưới nước chốc chốc phải ngoi lên bờ để thở và tranh thủ hít căng không khí vào phổi để rồi tiếp tục cơn hụp lặn.
Được biết đa số dân đào đá là người Khánh Hoà và các xã lân cận thuộc huyện Lục Yên, Yên Bái. Một bộ phận là dân đào đá đỏ từ huyện Yên Bình và từ xã Long Khánh (tỉnh Lào Cai), xa hơn thì từ Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên họ cũng kéo về đây với ước mong đổi đời.
Người dân địa phương tranh thủ lúc nông nhàn vào bãi đá tìm vận may, nghiễm nhiên như rừng là vườn nhà mình, ai muốn đào đâu thì đào, miễn là không sang địa phận đã được cắm mốc hay được phát quang của người khác là được. Còn đối với các “ông trùm”, họ đổ quân đông và có máy móc hỗ trợ, thấy bảo cũng có thông qua chính quyền xã.
Trên đường từ bãi đá xuống chúng tôi gặp một nhóm người dân địa phương. Khi chúng tôi ngỏ ý mua một lượng lớn đá đỏ họ bảo: “Khó lắm, có người đào cả tháng còn chưa nhìn thấy viên đá nào”.
Nghe nói cũng có người chỉ cuốc vài nhát đã vớ được đá đỏ, nhưng cũng có người vài tháng trời vẫn chưa được viên nào ấy vậy mà đất đá đè sập còn phải đi cấp cứu. Cách đây 5 tháng, rộ lên tin đồn có người trúng quả được viên đá bán được hàng trăm triệu đồng nên giang hồ từ khắp nơi ùn ùn kéo về bãi đá, người dân trong xã làm xong mùa vụ cũng tranh thủ đào xới, lúc cao điểm tại bãi đá có tới cả nghìn người.
***
Trời nhá nhem tối, chúng tôi rời dãy Con Voi, mang nặng ám ảnh về những hình ảnh, âm thanh hỗn loạn của đại công trường đá đỏ và những “công xưởng” gỗ nằm công khai giữa rừng.
Còn nhớ, cuối tháng 8 năm 2008, cơn bão Kammuri đã gây trận lũ lịch sử ở miền Bắc nước ta. Từ Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên cho tới vùng hạ du, lũ quét tàn phá nặng nề ruộng vườn, nhà cửa của bà con và cướp đi cả trăm sinh mạng.
Khi trò chuyện với bà con xã Long Khánh, chúng tôi được biết các con suối từ thượng nguồn đổ về nay cũng cạn hơn so với nhiều năm trước đây. Chắc chắn là có một sợi dây vô hình nào đó chắp nối được những câu chuyện này lại với nhau để khẳng định rằng khi con người tàn phá rừng, chúng ta cũng đang đánh mất ngày mai của chính mình. Tôi biết mình không phải là một nhà nghiên cứu, khó có thể chứng minh được điều ấy, nhưng tôi tin đó là sự thật.