ThienNhien.Net – Ngôi làng nhỏ bé Temacapulin thuộc bang Jalisco ở miền Tây Bắc Mê-xi-cô trong tuần này bỗng dưng sôi động với một sự kiện lớn. Hơn 320 đại biểu từ 62 quốc gia tụ họp tại đây tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ ba của những người bị ảnh hưởng do đập thủy điện và các tổ chức đồng minh.
Từ ngày 1 – 6 tháng 10, các đại diện từ khắp nơi trên thế giới cùng chia sẻ với hơn 800 người dân Temacapulin trong cuộc đấu tranh giữ đất đai, núi rừng, sông suối trước làn sóng xây dựng đập thủy điện ồ ạt.
Theo Tổ chức Sông ngòi Thế giới, hơn 60% các dòng sông trên thế giới đã và đang bị ngăn để xây đập thủy lợi và thủy điện. Nhìn vào bản đồ các dòng sông trên thế giới, khó có thể tìm thấy nơi nào dòng chảy tự nhiên không bị ngăn bởi các con đập.
Đại diện các nhóm cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ đều có chung một nhận định, rằng dù ở châu Á, châu Phi hay châu Mỹ, có một câu chuyện vẫn luôn lặp đi lặp lại: Đó là ở những nơi có đập, chính quyền hầu như ít lắng nghe tiếng nói của người dân, trong khi lại ưu ái cho các tập đoàn, công ty thủy điện. Ở những nơi đó, môi trường sinh thái bị xâm hại, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, những con đập lớn đang gây quan ngại về nguy cơ giảm khả năng thích ứng của hệ sinh thái cũng như của các cộng đồng liên quan. Những hồ chứa nước lớn được cho là nguồn phát thải khí nhà kính khổng lồ. Bên cạnh đó, khi khí hậu thay đổi, những đập thủy điện lớn phải đối mặt với nguy cơ thiếu an toàn, hiệu quả kinh tế thấp và bị rút ngắn thời gian sử dụng.
Với sự ủng hộ của các định chế tài chính quốc tế như Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa ngành công nghiệp năng lượng, biến tài nguyên nước thành nguồn lợi nhuận riêng của các tập đoàn tư bản. Nguồn công sản này bỗng dưng bị biến thành hàng hóa phục vụ cho trào lưu tiêu thụ không ngừng gia tăng – một đặc trưng của chủ nghĩa tư bản đang chiếm thế thượng phong trong sự phát triển của xã hội loài người.
Sự cạnh tranh khốc liệt và chủ nghĩa tiêu thụ của chủ nghĩa tư bản được cho là nguồn gốc của sự bất công trong vấn đề sản xuất năng lượng từ thủy điện. Nguồn điện từ các con đập lớn chủ yếu phục vụ đối tượng người giàu đô thị và sản xuất công nghiệp của các tập đoàn tư bản.
Trong khi đó, người dân sống ở khu vực xây dựng đập buộc phải di chuyển khỏi nơi sinh sống truyền thống, sinh kế và văn hóa bị mai một, quyền lợi chính đáng không được đảm bảo. Thậm chí, ở nhiều nơi xung đột đã xảy ra khi chính quyền sử dụng công cụ bạo lực để trấn áp. Tính mạng người dân địa phương bị đe dọa, đã có nhiều người hy sinh mạng sống để đấu tranh cho quyền lợi cộng đồng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cam kết sẽ tiếp tục công cuộc đấu tranh chống lại việc xây dựng đập thủy điện gây nguy hại đến cộng đồng cũng như mô hình quản lý nguồn nước và năng lượng hiện nay. Đó là cuộc chiến chống lại trật tự xã hội chỉ chú trọng đến tối đa hóa lợi nhuận. Mục tiêu hướng đến của các cộng đồng và tổ chức tham gia nhằm xây dựng một xã hội trên cơ sở công bằng và đoàn kết hơn.
Hội nghị quốc tế này đã tổ chức lần đầu tiên ở Curitiba (Braxin) vào năm 1997 và lần thứ hai tại Rasi Salai (Thái Lan) vào năm 2003.
Ảnh: Nguyễn Lê Temacapulin (hay Temaca) là ngôi làng nhỏ có lịch sử lâu đời, được các nhà khảo cổ ghi nhận ít nhất là từ thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên. Những cư dân đầu tiên thuộc bộ lạc Tecuexe. Người Tây Ban Nha bắt đầu đến xâm chiếm khu vực này từ năm 1530 và sinh sống tại đây cho đến ngày nay. Con đập El Zapotillo xây dựng trên sông Verde được đề xuất xây dựng để cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Leon, Guanajuato. Khi con đập cao 105 mét này hoàn thành, ba ngôi làng Temaca, Acasico và Palmarejo sẽ bị nhấn chìm trong khu vực lòng hồ. Mặc dù cộng đồng địa phương, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế đã lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ về các vấn đề xã hội, môi trường, kinh tế, luật pháp nhưng việc xây dựng con đập này vẫn được tiến hành. |