Ngọc Lũ: Ô nhiễm làng nghề và lời giải để ngỏ

ThienNhien.Net – Xã Ngọc Lũ huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam từ lâu được biết đến là vùng chăn nuôi lợn lớn nhất Miền Bắc. Hàng năm, số lượng lợn cho xuất chuồng lên đến hàng chục vạn con. Đời sống của người dân cũng từ đó mà ngày càng khấm khá. Tuy nhiên, bài toán mà chính quyền địa phương cần giải quyết hiện nay là vấn đề ô nhiễm nguồn nước, rác thải…


“Phất lên” nhờ nuôi lợn

Trước đây, thu nhập của người dân xã Ngọc Lũ chủ yếu dựa vào nghề mộc, trồng nhãn và vải thiều. Cuối năm 2004, theo chủ trương của Đảng bộ xã Ngọc Lũ, chăn nuôi lợn được xác định là đòn bẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Theo ông Bùi Xuân Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Lũ, cả xã có trên 700 hộ nuôi lợn với quy mô 100 – 200 con, riêng năm 2007 đạt 34.000 – 36.000 con/lứa, tỷ lệ xuất chuồng đạt trên 7.000 tấn/năm, nhiều gia đình thu lãi hơn 700 triệu đồng/năm từ nuôi lợn.

Nhờ có chính sách khuyến khích chăn nuôi, Ngọc Lũ trở thành một xã điển hình tiên tiến trong việc phát triển nghề chăn nuôi lợn của tỉnh Hà Nam. Gần 100% hộ dân trong xã có trang trại chăn nuôi lợn. Nhà nhiều nuôi cả ngàn con, nhà ít cũng vài chục con. Thông thường lợn khi xuất chuồng sẽ được thương lái từ các nơi lân cận tới đặt mua rồi được đem tập chung tại chợ Chủ trước đi được đem đi bán. Tới xã Ngọc Lũ bây giờ không khó gì để nhận ra số hộ gia đình giàu lên từ nuôi lợn, khi thôn nào cũng thấy nhà cao tầng được mọc lên san sát.

Chị Nguyễn Thị Thanh, một hộ chăn nuôi lợn trong xã cho biết gia đình chị hiện nay nuôi gần 200 con lợn. Với giá như thị trường hiện nay, đàn lợn này cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đó là còn chưa tính đến dịp giáp Tết Nguyên Đán 2011 này, gia đình chị có thể xuất tới hàng tấn lợn hơi với giá thành có thể còn cao hơn hiện tại. Từ khi phát triển trang trại lợn, gia đình chị đã thoát được cái đói nghèo “bủa vây”. Trong nhà, đã có nhiều đồ đạc có giá trị như xe máy, tivi, đầu DVD…
 
Ô nhiễm và bệnh tật.

Gọi là chăn nuôi trang trại nhưng lại phát triển theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”. Cứ khuyến khích nuôi song chất thải cho đi đâu thì… tùy dân. Chất thải từ chăn nuôi được tống trực tiếp ra ngoài khiến nhiều con mương, rạch nước đen ngòm, đặc quánh lại như bùn. Nước ô nhiễm trầm trọng làm cho các sinh vật gần như bị hủy diệt hoàn toàn. Anh Trần Như Thái ở xóm 1 cho biết: “Gia đình tôi nuôi gần 200 con lợn, mỗi ngày lượng phân và nước vệ sinh chuồng trại rất lớn, ao gần nhà không đủ sức chứa phải cho nước chảy lênh láng khắp vườn”. Trong vườn nhà anh Thái cũng trồng dăm loại cây ăn quả nhưng không cây nào chịu cho quả. Anh Thái đùa nói: “Cây bị tốt quá ấy mà”!

Một số hộ chăn nuôi khác với quy mô lớn hơn thì lại tính đến cách xây bể chứa tới hàng trăm khối. Thế nhưng chất thải thì ngày một nhiều nhưng cách xử lý thì không có nên thành ra người dân đành phải “chữa cháy” bằng cách lắp đặt đường ống để xả ra bãi hoặc sông ngòi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện xây hầm chứa, phần lớn đều xả thẳng ra ao hồ trong vườn. Những ổ dịch cũng vì thế mà mọc lên, đe dọa lại nghề chăn chăn nuôi lợn cũng như đời sống người dân xã Ngọc Lũ.

Phân và chất thải chưa qua xử lý không chỉ bốc mùi xú uế mà còn là nơi lý tưởng cho ruồi, nhặng sinh sống và phát triển. Nhất là vào mùa hè thường xuyên xảy ra các bệnh như đau mắt, tiêu chảy, tả… Một số hộ dân cho biết, người lớn thì con đỡ chứ trẻ con trong nhà bị các bệnh về đường ruột, đau mắt… phải đi bệnh viện khám như cơm bữa!

Lời giải cho bài toán chất thải

Theo ông Hùng, nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương như hiện nay, một phần là do sự thiếu ý thức của người chăn nuôi. Rất nhiều lần cán bộ xã đã đến từng nhà nhắc nhở công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng “đâu lại hoàn đấy”. “Anh bảo chúng tôi làm gì có tiền mà xây cả hệ thống xử lí nước thải, hơn nữa ở đây đất chật người đông làm gì có chỗ mà xây” – Ông Hùng nhắc lại lời của một người dân.

Trao đổi vấn đề này, ông Hùng cho biết: “Do chăn nuôi chủ yếu ở quy mô hộ gia đình nên việc quản lý rất khó. Mỗi năm chúng tôi hỗ trợ 14 – 15 triệu đồng cho người chăn nuôi xây dựng hầm biogas, hiện đã có gần 400 hộ xây dựng. Tuy nhiên, theo khảo sát, số hộ xây hầm biogas đạt tiêu chuẩn còn thấp. Xã cũng đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi, dự kiến đầu tư 4 tỷ đồng, sau khi hoàn thành hy vọng sẽ giải quyết được phần nào tình trạng ô nhiễm đang rất bức xúc”.

Trước tình trạng ô nhiễm này, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã hỗ trợ xây dựng thí điểm nhà máy xử lý chất thải tại xã Ngọc Lũ với kinh phí lên tới 7 tỷ đồng. Tuy nhiên theo tính toán, công trình này cũng chỉ giải quyết được nhu cầu của khoảng 200 hộ so với gần 1.500 hộ chăn nuôi tại đây.

Bài học về một Ngọc Lũ như tiếng chuông cảnh tỉnh các địa phương trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là chăn nuôi. Việc khuyến khích phát triển chăn nuôi luôn phải đi kèm với bảo vệ môi trường sinh thái. Trước khi “nuôi bò”, việc nhất thiết là phải “làm chuồng”, nếu không lại có nhiều “Ngọc Lũ” xuất hiện trong thời gian tới!