ThienNhien.Net – Cùng với nhiều khu vực trên cả nước, Tây Nguyên đã trải qua một mùa khô hạn bất thường và nay dù đang là mùa mưa, tình trạng khô hạn vẫn chưa chấm dứt. Tình hình thủy văn diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp cũng như sản xuất điện năng của các nhà máy thủy điện trên khu vực.
Khô giữa mùa mưa…
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm nay đến muộn hơn gần một tháng; nắng nóng kéo dài khiến nền nhiệt độ cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm, lượng mưa thấp hơn từ 20 đến 40%. Cá biệt, ở Đắc Tô (Kon Tum) đến nay lượng mưa chỉ đạt 42% so với trung bình nhiều năm, Pleiku (Gia Lai) chỉ đạt 60%.
Ông Trần Trung Thành – Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cho biết, các hiện tượng thời tiết hiện nay đã diễn biến bất thường. Hiện đang là mùa mưa, nhưng mực nước trên các hệ thống sông lớn như Sê San, sông Ba, Sê-rê-pôk, sông Đồng Nai thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1 mét, cá biệt là vùng hạ lưu sông Ba, mực nước thấp hơn từ 1,5 đến 1,8 mét. Lưu lượng nước trên hệ thống sông Sê San chỉ bằng 20% so với năm ngoái, và các hồ thủy điện lớn như IaLy, Plei Krông đã sát với mực nước chết.
Bên cạnh những tác động không theo quy luật của tự nhiên, thì những tác động của con người cũng để lại những hệ lụy đáng lo ngại. Hàng loạt nhà máy thủy điện được đầu tư xây dựng ồ ạt đã tác động trực tiếp đến môi trường, khí hậu Tây Nguyên.
Điển hình, sau khi Ban quản lý thủy điện 7 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) tổ chức chặn dòng, tích nước hồ chứa công trình Thủy điện An Khê – Ka Nak, từ 13/09 đến nay, hạ nguồn sông Ba đã khô cạn. Đây là hiện tượng chưa bao giờ xảy ra đối với sông Ba, theo nhận định của ông Lữ Phúc Phong – trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai.
Theo dự báo, từ nay đến mùa khô rất ít mưa, chỉ bão và không khí lạnh mới mang lại mưa cho khu vực Tây Nguyên. Vì vậy, mùa khô tới Tây Nguyên sẽ hạn khốc liệt.
… và những hệ lụy
Từ trung tuần tháng 9, thấy hiện tượng mực nước sông giảm, chính quyền và các ngành chức năng ở Tây Nguyên đã huy động nhân dân ra be bờ, ngăn nước phục vụ bơm tưới cho lúa nhưng đến nay 4 trạm bơm Ia Kdăm, Plei Toan, Kim Tân 2 và Chư Mố 1 đã ngừng hoạt động vì thiếu nước. Khoảng 350 ha lúa các xã phía Nam của huyện Ia Pa đang thời kỳ trổ bông đứng trước nguy cơ khô hạn giữa mùa mưa.
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai vừa tổ chức 3 đoàn đi kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại do nắng hạn trên địa bàn. Kết quả đánh giá khẳng định, năm nay lượng mưa quá ít, mực nước trên các sông hồ, đập chứa xuống thấp nên đã xảy ra tình trạng khô hạn trên diện rộng. Toàn tỉnh có hơn 23.200 ha cây trồng các loại bị hạn, trong đó mất trắng gần 17 nghìn ha, giảm năng suất (từ 30 đến 70%), ước tính thiệt hại hơn 40 tỷ đồng.
Ông Tạ Văn Luận – Giám đốc Công ty Thủy điện Ya Ly cho biết, gần 2 tháng nay hồ chứa của thủy điện Plei Krông chỉ đạt cao trình 537m, trong khi mực nước dâng bình thường là 570m (thấp hơn cùng kỳ 33m), còn hồ chứa Nhà máy Thủy điện Ya Ly chỉ đạt 494m (thấp hơn cùng kỳ 20m). Cả hai hồ chứa đã sát với mực nước chết.
Vào thời điểm này năm ngoái, lưu lượng nước trên hệ thống sông Sê San đạt trên 1 nghìn m3/giây, nhưng hiện tại chỉ đạt 200m3/giây, chỉ đáp ứng được từ 1/3 đến 1/2 công suất tối đa của 2 nhà máy, và nguy cơ thiếu điện giữa mùa mưa là không tránh khỏi.
Đến thời điểm này, Công ty Thủy điện Ya Ly chỉ mới đạt sản lượng 2,7 tỷ kWh, trong khi kế hoạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao là 5,5 tỷ kWh (chưa đáp ứng được 50% kế hoạch).
Cũng theo ông Luận, hầu hết các nhà máy thủy điện phía Nam như Thác Mơ, Trị An, Hàm Thuận – Đa Mi, Đa Nhim, Đại Ninh… cũng đang trong tình trạng tương tự Ya Ly; lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về chỉ đạt khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu tình trạng này tiếp diễn, sang năm sản lượng điện của Công ty Thủy điện Ya Ly sẽ giảm hơn 1 tỷ kWh.