Cân bằng lợi ích doanh nghiệp và tổn thất môi trường: Khó!

ThienNhien.Net – Mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020 đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng nông thôn trên khắp cả nước. Nhưng một khi “bờ xôi, ruộng mật” ít đi thì cũng là lúc nảy sinh nhiều vấn đề nan giải. Đan xen giữa những câu chuyện phức tạp về đất đai, nghề nghiệp là những bức xúc về thực trạng môi sinh – một trong những điều bận tâm nhất của các vùng quê hiện nay. Câu chuyện diễn ra ở xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương mới đây (được <i>Tiền Phong</i> ghi lại trong phóng sự dài kỳ) là một minh chứng.


Ngày 10/7, người dân Kim Lương bắt quả tang hai xe tải “xịn” hiệu Cappellotto (thuộc sở hữu của Xí nghiệp Tập thể 363 ở Hải Phòng) đổ trộm nước thải ra cánh đồng và một con sông gần xã. Hai xe này đã chở 5 m3 nước thải theo hợp đồng ký ngày 9/7 với Nhà máy Phôi thép vuông Thái Hưng (trụ sở tại Kim Lương), với giá 300.000 đồng/m3.

Công an huyện Kim Thành đã xử phạt đơn vị vi phạm 24 triệu đồng, dù trước đó xác định số nước thải từ Nhà máy Thái Hưng không phải nước thải công nghiệp (mà là nước bể phốt) và không phải do đổ trộm (mà đổ theo yêu cầu – trước đó, bà Nguyễn Thị Huyền ở xóm 4, thôn Cổ Phục, xã Kim Lương đã xin một phần nước này để “bón ruộng canh tác”).

Sự việc tưởng chỉ dừng lại ở việc xử phạt, nhưng người dân Kim Lương không chấp thuận. Họ cho rằng, Nhà máy Thái Hưng gây ô nhiễm từ khi bắt đầu vận hành thử (tháng 4/2009), chứ không phải từ vụ việc lần này và họ quyết “giam” xe bằng được. Một số còn hô hào đẩy xe xuống ruộng, tháo ắc quy, đâm xịt lốp.

Mâu thuẫn đỉnh điểm diễn ra vào sáng 7/9 khi Công an huyện Kim Thành quyết định “giải cứu” hai xe tải sau gần 2 tháng bị “tạm giam”. Kết quả, bốn chiến sĩ công an bị thương vì bị gần 100 người tụ tập ném đá, vôi bột và dùng liềm tấn công.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự vụ này không dừng lại ở chuyện vài mét khối nước thải, mà đó chỉ là cái cớ để đẩy “cuộc chiến” nhân danh chống ô nhiễm môi trường ở Kim Lương lên cao hơn. Dù chính quyền và doanh nghiệp đã rất nỗ lực trong việc giảm thiểu các tác động ô nhiễm, nhưng bấy nhiêu đó chưa đủ để lấy lại được niềm tin ở nơi dân, chưa kể nhiều trường hợp chính quyền cố tình bao che, nâng đỡ doanh nghiệp.

Được biết, ngay sau khi xảy ra “sự cố” đổ trộm, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ TN&MT vào cuộc kiểm tra, đánh giá tác động, ảnh hưởng của Nhà máy Thái Hưng đến môi trường và sức khỏe người dân; kiến nghị biện pháp giải quyết; báo cáo Thủ tướng trong quý 3.

Suy cho cùng, sự phản kháng quyết liệt của người dân cũng xuất phát từ những mối nguy ngại mà các nhà máy, xí nghiệp gây ra cho môi trường ở mỗi làng quê – mối nguy hại không hiện hữu một vài năm nhưng có thể kéo dài hàng thập kỷ, thậm chí thế kỷ. Cuộc sống sẽ khấm khá hơn khi doanh nghiệp “về làng”, nhưng sự tăng trưởng kinh tế cũng đồng thời kéo theo những nỗi lo chất chồng về đất đai, nghề nghiệp, đặc biệt là vấn đề môi trường, sức khỏe.

Thiết nghĩ, Hải Dương nói riêng và nhiều địa phương nói chung cần thận trọng với cơn lốc chuyển đổi đất nông nghiệp thành nhà máy, bởi nguy cơ rước thêm gánh nợ môi trường là có thật, đằng sau những lợi nhuận kinh tế đạt được.