Thủy điện Mê Kông lên nghị trình của Thượng viện Mỹ

ThienNhien.Net – Ngày 23/09, Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về kế hoạch xây dựng 12 con đập thủy điện trên hạ nguồn Mê Kông sau khi Lào bày tỏ ý định thúc đẩy dự án đập Xayaburi trên dòng chính.


Phiên điều trần diễn ra một ngày sau khi Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) cho biết đã nhận được thông báo chính thức từ Lào về kế hoạch triển khai dự án thủy điện đầu tiên trên hạ nguồn Mê Kông – đập Xayaburi.

Thông báo này được thực hiện theo Thủ tục Thông báo (Procedures for Notification) và Tham vấn – Đồng thuận trước (Prior Consultation and Agreement – PNPCA) về các dự án đập trên dòng Mê Kông theo yêu cầu của Hiệp định năm 1995 giữa các nước thành viên MRC.

Tại buổi điều trần, Ủy ban đã nhấn mạnh những tác động sâu sắc đến dòng sông và sinh kế của người dân nếu các dự án đập được triển khai. 

Từ phía một trong những chính phủ tài trợ cho MRC, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã nỗ lực ngăn chặn việc triển khai xây dựng các đập trên dòng chính Mê Kông trong khi Báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược chưa được các nước MRC thống nhất và thông qua.

Phát biểu khai mạc phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Jim Webb đã khẳng định tầm quan trọng của nguồn thủy sản trên sông Mê Kông đối với an ninh lương thực của khu vực, đồng thời bày tỏ quan ngại về những tác động sâu sắc đối với sinh kế và hệ sinh thái sông nếu các đập được triển khai. Theo ông, kế hoạch xây đập sẽ tác động sâu rộng đến lưu vực trên cả phương diện chính trị, kinh tế và xã hội.

Trong khi đó, Chính phủ Lào cùng nhà phát triển dự án Ch. Karnchang (Thái Lan) và MRC có vẻ kiên định thúc đẩy quá trình PNPCA cho đập Xayaburi, bất chấp thực tế rằng Báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược còn chưa được công bố rộng rãi và mới đang ở giai đoạn thảo luận.

Đập Xayaburi có thể sẽ là con đập đầu tiên trong chuỗi đập được xây dựng trên hạ nguồn sông Mê Kông. Con đập dự tính sẽ khiến hàng nghìn người dân Lào phải di chuyển chỗ ở, phá hủy luồng di cư quan trọng của cá và đẩy loài cá tra dầu Mê Kông đang ở mức cực kỳ nguy cấp vào thảm họa tuyệt chủng bằng cách tiêu diệt một trong các môi trường đẻ trứng tự nhiên cuối cùng của loài này.

Được biết, hơn 95% năng lượng từ đập Xayaburi sẽ dành bán cho Cơ quan Điện lực Thái Lan (EGAT). Và cũng bởi vậy, đầu tháng này các nhóm cộng đồng Thái Lan, đại diện cho khoảng 24.000 người dân sống trên năm tỉnh dọc dòng Mê Kông đã gửi thư cho Thủ tướng Thái Lan yêu cầu hủy bỏ kế hoạch mua điện từ đập Xayaburi.