ThienNhien.Net – Hội nghị xã hội dân sự ASEAN, nay là Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF) là một trong những hoạt động thường niên bên lề của Hội nghị cấp cao ASEAN được tổ chức theo sáng kiến của Malaysia từ năm 2005. Sau gần 6 năm thành lập, APF luôn thu hút sự quan tâm đông đảo của các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng ASEAN. Năm nay, 2010, là năm Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN nên việc tổ chức Diễn đàn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ngoài mục đích chung là “đoàn kết và hành động vì một ASEAN hướng về nhân dân”, APF lần này còn là dịp để Việt Nam giới thiệu những thế mạnh với các tổ chức nhân dân ASEAN, nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị trong khu vực.
Môi trường – một tâm điểm của Diễn đàn Nhân dân ASEAN 2009
Từ Hội nghị Xã hội dân sự đến Diễn đàn Nhân dân ASEAN
Hội nghị Xã hội dân sự ASEAN (Asean Civil Society Conference – ACSC) lần đầu tiên được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh cấp cao ASEAN lần thứ 11 tại Kuala Lumpur, Malaysia, dưới sáng kiến của Chính phủ Malaysia và Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc Trường Đại học Công nghệ Mara, Malaysia. Mục tiêu của sáng kiến này là tạo ra một diễn đàn, giúp các tổ chức xã hội dân sự cùng tham gia bàn bạc, đối thoại với các nhà lãnh đạo ASEAN về những vấn đề quan trọng trong khu vực.
Tại Hội nghị xã hội dân sự lần 2 được được tổ chức tại Philippin năm 2006, các tổ chức xã hội dân sự đã chia sẻ, thảo luận và đưa ra giải pháp cho các vấn đề mà khu vực đang quan tâm, đặc biệt là vấn đề hội nhập ASEAN và Hiến chương ASEAN.
Sau Hội nghị lần 3 diễn ra tại Singapore vào năm 2007, Hội nghị xã hội dân sự lần thứ 4 đã tụ họp tại Băng Cốc, Thái Lan vào tháng 2/2009. Cũng trong lần họp này, Hội nghị xã hội dân sự đã được đổi tên thành Diễn đàn Nhân dân ASEAN (ASEAN People’s Forum – APF). Từ đây, APF trở thành diễn đàn mở, nêu lên tiếng nói của nhân dân ASEAN trong bối cảnh thực hiện Hiến chương ASEAN, hướng tới việc xây dựng một ASEAN lấy nhân dân làm trung tâm và củng cố việc phát triển các cộng đồng theo bốn trọng tâm, bao gồm Kinh tế, Văn hóa – Xã hội, Chính trị – An ninh và Môi trường.
Sau APF lần thứ hai được tổ chức tại Thái Lan vào tháng 10/2009, năm nay, Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò chủ nhà của APF. Mục tiêu chính của Diễn đàn lần này nhằm tăng cường sự đoàn kết và hợp tác giữa nhân dân ASEAN; thúc đẩy một cộng đồng ASEAN thực sự vì nhân dân, vì lợi ích chung của nhân dân ASEAN, vì hòa bình, phát triển, công bằng, bền vững của khu vực.
… còn đó những thách thức
Tuy đạt được một số thành công ban đầu, nhưng hoạt động của APF cũng còn nhiều hạn chế.
Lý giải điều này, theo bà Corinna Lopa (Philippin), một phần là do hiện vẫn có những trở ngại nhất định trong việc nhìn nhận vai trò của các tổ chức xã hội dân sự cũng như người dân khi tham gia vào tiến trình chung của ASEAN, mặc dù Hiến chương ASEAN đã nêu rất rõ điều này.
Tuy là Diễn đàn của nhân dân ASEAN nhưng các tổ chức nhân dân của các nước này lại chưa có vai trò đích thực trong quá trình chuẩn bị và tổ chức Diễn đàn, trong khi đó, hầu hết các quyết định đều thuộc về một số tổ chức phi chính phủ khu vực hoặc quốc tế tham gia Ban tổ chức diễn đàn.
Bên cạnh đó, thái độ và cơ chế phối hợp với kênh chính thức còn nhiều bất cập, dẫn đến việc không đạt được mục tiêu xây dựng đối tác, thực hiện đối thoại với các nhà lãnh đạo ASEAN. Điển hình như tại APF lần thứ 2 tại Hua Hin, Thái Lan, quá trình đối thoại đã trở thành độc thoại khi không có sự tham gia của các đại diện lãnh đạo ASEAN tại hội nghị.
Nội dung và vấn đề thảo luận cũng chưa phản ánh được những vấn đề trọng tâm của nhân dân các nước ASEAN. Nhiều vấn đề cụ thể của quốc gia lại được đưa ra thảo luận tại diễn đàn chung, làm mất thời gian và hạ thấp vai trò của tiến trình ASEAN.
… và APF lần 3 với vai trò chủ nhà của Việt Nam
APF năm nay được tổ chức tại Việt Nam từ 23-26/09/2010 hướng tới thông điệp “Đoàn kết và hành động vì một ASEAN hướng về nhân dân”, trong đó, bốn nội dung chính vẫn là tâm điểm chú ý của khu vực ASEAN, bao gồm: Chính trị – An ninh, Kinh tế, Văn hóa – Xã hội và Môi trường. Đặc biệt, Diễn đàn sẽ dành thời gian để trao đổi và thảo luận về các vấn đề “nóng” hiện nay như biến đổi khí hậu, thiên tai, năng lượng, nước, giảm nghèo, an sinh xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn…
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc điều phối, chuẩn bị tổ chức sự kiện APF lần này. Ngoài việc thành lập ra Ban tổ chức và các tiểu ban chuyên trách, trong tháng 5, VUFO cũng đã tổ chức các hội nghị trù bị, nhằm giới thiệu về ASEAN, Diễn đàn Nhân dân ASEAN và các tổ chức nhân dân Việt Nam chuẩn bị cho Diễn đàn…
Với chuẩn bị kỹ lưỡng, hy vọng APF tại Việt Nam lần này sẽ đóng góp nhiều cho thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 nhằm xây dựng một ASEAN phát triển bền vững, đồng thời tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân các nước trong khối ASEAN.