ThienNhien.Net – Trong khi thời tiết cực đoan đang “trút giận” xuống mùa màng khắp nơi trên thế giới, một nghiên cứu mới của Viện Quản lý Nước Quốc tế (IWMI) đã cảnh báo rằng lượng mưa ngày càng bất thường do biến đổi khí hậu sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với an ninh lương thực và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt với châu Á và châu Phi. Và giải pháp được đưa ra để cải thiện tình hình là tăng cường đầu tư vào việc đa dạng hóa các hình thức trữ nước và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Lượng mưa biến động khiến nông dân khốn đốn
Báo cáo của IWMI nhận định, hàng triệu nông dân sống phụ thuộc vào nền nông nghiệp sử dụng nước mưa đang phải chịu nhiều rủi ro do nguồn nước suy giảm và biến động bất thường của lượng mưa.
Biến đổi khí hậu dự kiến sẽ tăng biến động lượng mưa khiến an ninh nguồn nước trở nên xa vời hơn với người nông dân nghèo và họ ngày càng tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu, như một vòng luẩn quẩn.
Thiếu nước là nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực và đói nghèo ở những khu vực vốn đã nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ nằm ở bản thân sự khan hiếm nước mà còn ở việc thiếu khả năng ứng phó với diễn biến bất thường của lượng mưa.
Chẳng hạn, ở khu vực cận Sahara, nơi mà 95 % các trang trại nhỏ phụ thuộc vào nguồn nước mưa thì khả năng dự báo thấp về cả thời gian và lượng mưa khiến người nông dân vô cùng khó khăn, nhất là khi không có giải pháp trữ nước hiệu quả.
Đối với hàng triệu người sống phụ thuộc vào nền nông nghiệp dùng nước mưa thì khả năng tiếp cận với nguồn nước có thể giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách giữa nạn đói kinh niên và những tiến bộ về an ninh lương thực. Thậm chí một lượng nước ít ỏi giúp mùa màng và gia súc vượt qua đợt khô hạn cũng có thể tạo ra những thành công đáng kể về năng suất nông nghiệp và đời sống của người nông dân. Và trữ nước vì vậy đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nghèo, phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu
Theo báo cáo của IWMI, tại Châu Á, nơi mà thủy lợi tưới tiêu mở rộng mạnh mẽ trong vài thập kỷ gần đây, nền nông nghiệp dùng nước mưa hiện chiếm vị trí chủ đạo, với 66% khu vực trồng trọt. Tại khu vực cận Sahara, Châu Phi tỷ lệ này còn lớn hơn, ở mức 94%. Tuy nhiên, nghịch lý thay, đây cũng lại chính là những khu vực mà cơ sở hạ tầng phục vụ trữ nước ít được phát triển nhất.
Đa dạng hóa các hình thức trữ nước
Hiện nay các kế hoạch trữ nước thường tập trung vào các đập lớn, với khoảng 40% trong số 50.000 đập lớn trên thế giới được sử dụng cho tưới tiêu. Tuy nhiên, dù mang lại hiệu quả nhất định đối với việc kiểm soát lũ lụt và cải thiện năng suất nông nghiệp, các dự án đập cũng để lại những tác động xã hội và môi trường với việc di chuyển tới 80.000 người đồng thời tước đi sinh kế của 470 triệu người ở hạ nguồn.
Báo cáo của IWMI cho rằng đối với nông nghiệp, đập chỉ là một lựa chọn trong rất nhiều giải pháp tích nước khác như sử dụng nước từ các đầm lầy tự nhiên, tích nước trên đất, tích nước ngầm và trữ nước trong các ao hồ và bể chứa. Phê phán việc quá phụ thuộc vào giải pháp trữ nước đơn lẻ như đập lớn, báo cáo cũng đề xuất một cách tiếp cận phối hợp các lựa chọn tích nước trên cả quy mô lớn và nhỏ.
Theo Mathew McCartney, nhà thủy học thuộc IWMI và là người chủ trì bản báo cáo thì cũng như các nhà đầu tư phải đa dạng hóa cổ phiếu tài chính của mình để giảm thiểu rủi ro, người nông dân cũng cần một loạt các “tài khoản nước” như một liệu pháp để giảm cú sốc mang tên Biến Đổi Khí Hậu. Bằng cách này nếu nguồn nước cạn kiệt, họ sẽ có các nguồn dự trữ thay thế.
Các nghiên cứu thực địa về các môi trường bán khô hạn khác nhau đã chứng minh hiệu quả của việc sử dụng các lưu vực nhỏ để “thu hoạch” nước, cùng với ứng dụng có chọn lọc phân hữu cơ hoặc phân vô cơ. Những lưu vực nhỏ đã chứng tỏ hiệu quả trong việc tăng sản lượng ngô ở Zimbabwe và tăng 3 tới 4 lần sản lượng kê ở Niger.
Nghiên cứu của IWMI và các đối tác ước tính rằng sẽ có tới 499 triệu người châu Phi và Ấn Độ có thể hưởng lợi từ việc cải thiện quản lý nguồn nước cho nông nghiệp.
Ở phía đông bắc bang Rajasthan Ấn Độ, việc xây dựng khoảng 10.000 công trình trữ nước ngầm đã giúp 14.000ha được tưới tiêu, làm lợi cho 70.000 người. Trước đó, nông dân ở đây chỉ đủ nước để trồng ngũ cốc, giờ họ có thể trồng thêm rau và hoa màu. Tương tự, việc xây dựng hơn 90.000 bể chứa nước ngầm ở Trung Quốc cũng làm lợi cho một triệu nông dân.
Không có giải pháp trữ nước hoàn hảo
Tuy nhiên, không có giải pháp trữ nước nào được coi là liều thuốc chữa bách bệnh, không có giải pháp nào là hoàn hảo và toàn diện. Mỗi giải pháp đều có đặc tính riêng về độ khả thi kỹ thuật, tính bền vững kinh tế xã hội, và mức tác động đến sức khỏe cộng đồng và môi trường. Và như vậy, tác động của các loại hình lưu trữ nước khác nhau phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh địa lý, văn hóa và chính trị của từng khu vực.
Các giải pháp lưu trữ nước được lựa chọn dựa trên việc cân nhắc một cách kỹ lưỡng bối cảnh thực tế có thể mang lại thành công. Tại Burkina Faso và miền Bắc Ghana, hàng ngàn hồ chứa nhỏ được xây dựng để cung cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi gia súc và tưới tiêu quy mô nhỏ đã giúp các cộng đồng thích ứng với điều kiện khô hạn, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế.
Tuy nhiên, việc lựa chọn sai lầm loại hình trữ nước dựa trên sự thiếu hiểu biết về điều kiện sinh thái, nông nghiệp và xã hội của địa phương, cùng các quy hoạch thiếu hệ thống có thể gây thất bại cho dự án và tăng tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Ở Ethiopia chẳng hạn, trong khi khảo sát tổng thể cho thấy các giếng nước ngầm và các đập nhỏ đã giảm nghèo từ 25 tới 50% thì một phân tích khác tại khu vực Amhara của quốc gia này lại cho thấy gần 4000 hồ trữ nước được xây dựng từ 2003 đến 2008 đã trở nên vô dụng, chủ yếu là do lựa chọn địa điểm thiếu chính xác, sai sót về kỹ thuật và thiếu sự tham gia duy trì của cộng đồng.
IWMI cũng đặc biệt lưu ý rằng bản thân bất kỳ lựa chọn trữ nước nào cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu. Trong các khu vực khô cằn chẳng hạn, độ ẩm đất có thể suy giảm rất nhanh khiến tính hiệu quả của việc tích nước cho trồng trọt bị suy giảm. Tương tự như vậy, lượng mưa giảm có thể hạn chế khả năng tích nước ngầm, trong khi mực nước biển tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ xâm nhập nước mặn vào khu vực nước ngọt cửa biển.
Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của việc phối hợp hài hòa các giải pháp tích nước, phù hợp với các yếu tố thủy văn, xã hội, kinh tế và môi trường của từng khu vực. Việc hoạch định trữ nước hợp lý có thể kéo người dân ra khỏi đói nghèo và trao cho họ cách thức hiệu quả để đối phó với biến đổi khí hậu.
Bạch Dương