ThienNhien.Net – Cuối tháng 8/2010, trên tờ Telegragh đăng phóng sự điều tra về việc phát triển các trang trại gấu nuôi ở Lào. Tác giả Fiona MacGregor nhận định nghề nuôi nhốt gấu lấy mật đang dần lộ rõ ở Lào.
Bài báo cho biết hiện có ít nhất 8 trang trại lớn nuôi nhốt gấu nằm rải rác trên khắp đất Lào, mỗi trang trại giam giữ khoảng 100 cá thể gấu. Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thì cho rằng ngoài những trang trại lớn kể trên, có nhiều trang trại nuôi nhốt gấu quy mô nhỏ hơn nhưng đã không được phản ánh trong bản báo cáo chính thức của các nhà chức trách.
Xuất phát từ Triều Tiên, nghề nuôi nhốt gấu lấy mật đã sớm thịnh vượng ở Trung Quốc, sau tiếp tục lây lan sang Việt Nam. Số liệu từ quan chức Trung Quốc cho biết quốc gia này hiện có khoảng từ bảy nghìn tới một vạn cá thể gấu nuôi, trong khi đó các nhà chức trách Việt Nam ghi nhận có khoảng 4.000 cá thể gấu nuôi nhốt.
Dưới áp lực của dư luận quốc tế, Trung Quốc đã có chút chuyển biến, hạn chế hơn việc cho phép kinh doanh nuôi nhốt gấu. Việt Nam cũng đã thắt chặt quy định về nuôi nhốt gấu, gắn chíp cho gấu nuôi nhốt để giám sát và cấm việc khai thác mật và các sản phẩm khác từ gấu nuôi trong vòng sáu năm trở lại đây. Tuy nhiên, những chế tài luật pháp và việc thực thi vẫn bị đánh giá chưa đủ mạnh.
MacGregor cho biết việc Việt Nam khép chặt quản lý hoạt động nuôi nhốt gấu có liên quan tới sự mở ra các trang trại nuôi nhốt gấu ở Lào. Nhiều cơ sở trên đất Lào hiện do người Việt đầu tư và quản lý. Nhận định của MacGregor cũng rất gần với kết luận của các chuyên gia bảo tồn, quản lý động vật hoang dã hiện nay về sự tồn tại những đường dây buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã xuyên biên giới giữa Lào và Việt Nam. Điều này cũng đúng với lời khai về nguồn gốc động vật hoang dã từ nhiều vụ vi phạm.
Ngay bản thân Lào cũng phải chịu áp lực dư luận quốc tế. Chính phủ Lào đã phải rà soát lại các quy định pháp luật có liên quan, đồng thời rút giấy phép kinh doanh của toàn bộ số trại gấu trong diện nghi vấn, kiểm tra. Mặc dù vậy, những nỗ lực này không đủ để lấp các lỗ hổng cơ bản trong quản lý.
Một trong những lỗ hổng đó là vấn đề xác định nguồn gốc cho vật nuôi, điều này cũng xảy ra tương tự ở Việt Nam. Theo quy định của Lào, gấu nuôi nhốt nếu có nguồn gốc từ tự nhiên sẽ là trái phép. Song, áp lực khiến các chủ trại phải chứng minh nguồn gốc cho gấu nuôi của họ lại rất ít hoặc rất khó kiểm soát.
Điều tra của MacGregor cho biết so với mức thu nhập bình quân còn thấp của Lào, nuôi gấu lấy mật hiện là nghề siêu lợi nhuận. Khách hàng chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia khác bị kiểm soát gắt gao hơn về việc nuôi nhốt gấu và hoạt động săn bắn, buôn bán vận chuyển động vật hoang dã, trong đó có Việt Nam. Khách hàng Việt Nam không những mua mật gấu mà cả tay gấu và các bộ phận cơ thể gấu khác.
Cảnh báo khi chưa quá muộn
Suốt nhiều năm qua, các nhà bảo tồn vẫn không ngừng lên án việc nuôi nhốt gấu lấy mật trong các chuồng trại chật hẹp là hành động tàn nhẫn, thiếu nhân tính, hoàn toàn không cần thiết và mang tính phi bảo tồn. Những nghiên cứu khoa học mới nhất cho thấy các tính chất trị bệnh của mật gấu (chủ yếu là gấu ngựa) hoàn toàn có thể được thay thế bằng các phương thuốc thảo dược. Thực tế trong suốt thời gian qua cũng đã chứng tỏ các trang trại nuôi nhốt không hề góp phần bảo vệ, duy trì loài gấu ngoài tự nhiên, thậm chí còn là nơi tiếp nhận gấu từ các đường dây săn bắt, buôn bán trái phép..
Số lượng gấu ngựa, nạn nhân bị nuôi nhốt chủ yếu, của Lào còn lại trong tự nhiên là bao nhiêu, các nhà khoa học còn chưa xác định được. Cả thế giới còn bao nhiêu gấu ngựa, cũng không ai biết chính xác, chỉ ước chừng với mức dao động rất lớn. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng, Sách đỏ Thế giới đã phải xếp gấu ngựa vào danh sách các loài bị đe dọa. Trong vòng đôi ba thập kỷ trở lại đây, số lượng chúng đã bị mất đi rất nhiều.
Một nguy cơ rõ ràng rằng nếu chính phủ Lào không thắt chặt thực thi luật pháp, tình trạng nuôi nhốt gấu sẽ tiếp tục nở rộ. Công tác quản lý gấu cũng như kiểm soát nạn buôn bán động vật hoang dã sẽ trở thành bài toán ngày càng nan giải.