REDD: công cụ ứng phó của các nước công nghiệp?

ThienNhien.Net – Trong khi REED – giảm phát thải nhờ hạn chế phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển – hứa hẹn là một công cụ tiềm năng để bảo vệ rừng, hạn chế khí nhà kính và mang lại thu nhập cho những người giữ rừng; vẫn còn đó những nghi ngại về bản chất thực sự của REDD và những rủi ro mà nó mang lại. Liệu REDD có thể giúp đạt mục tiêu giảm thiểu mức phát thải khí nhà kính trên toàn cầu và đảm bảo sự công bằng giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển? Đó là câu hỏi vẫn đang được thảo luận.


Bản chất của sáng kiến REDD

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu, các nước công nghiệp phải cam kết cắt giảm 20% lượng khí nhà kính phát thải vào năm 2020 so với mức phát thải năm 1990.
Cắt giảm khí nhà kính chính tại các quốc gia phát triển cũng đồng nghĩa với việc hạn chế phát triển công nghiệp và qua đó giảm tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia.

Cắt giảm phát thải thông qua việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật cũng sẽ rất tốn kém và khó khăn vì trình độ công nghệ tại các nước công nghiệp đã đạt được mức độ cao và ổn định.

Trong bối cảnh đó, các sáng kiến như CDM (Cơ chế Phát triển sạch) và REDD được đưa ra. Với các sáng kiến này, các nước phát triển có thể thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia đang phát triển thông qua các chương trình như sản xuất sạch, trồng rừng, bảo vệ rừng….

Đây được coi là các cơ chế “linh hoạt” giúp các nước công nghiệp thực hiện được cam kết với mức chi phí nhỏ hơn rất nhiều. Các nước công nghiệp nhờ đó sẽ có điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế, công nghiệp và… tiếp tục phát thải.

REDD có đảm bảo công bằng?

REDD được cho là một công cụ nhằm hướng tới sự công bằng trên toàn cầu trong bối cảnh các nước công nghiệp đang phát thải phần lớn lượng khí nhà kính vào khí quyển Trái đất và các nước đang phát triển thực tế lại là những “nạn nhân” chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của biến đổi khí hậu.

Tính “công bằng” được lập luận dựa trên cơ sở là các nước đang phát triển sẽ nhận hỗ trợ tài chính để thực hiện các chương trình cải tiến công nghệ, trồng rừng hay bảo vệ rừng tại quốc gia của họ.

Cách tiếp cận REDD vì thế được xem là “lợi cả đôi đường” trong nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Các nước phát triển đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải và các nước đang phát triển sẽ nhận được tài chính để thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường và xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, để nhận được khoản tài chính này, các quốc gia đang phát triển buộc phải thực hiện trồng rừng và bảo vệ rừng và có thể sẽ không đạt được các mục tiêu khác như phát triển công nghiệp, nông nghiệp nhằm bảo đảm được các nhu cầu cần thiết của xã hội.

Thực tế, nguồn thu từ REDD có thể sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Trong khi đó, các nước phát triển có cơ hội để tiếp tục thu các khoản lợi nhuận lớn hơn nhiều lần từ các dự án phát triển công nghiệp. Như vậy, REDD có thực sự là công cụ chính sách nhằm hướng tới sự công bằng trên toàn cầu?

Mặt trái của REDD

Cơ chế REDD cũng tồn tại những kẽ hở mà qua đó nhiều rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực thi.

Mục tiêu lớn nhất của REDD là góp phần giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Tuy nhiên, mục tiêu này chưa chắc có thể đạt được. Bởi lẽ, cơ chế này tạo “lối thoát” cho các nước phát triển, qua đó họ có được những khoảng trống để tiếp tục phát thải và khí nhà kính trên toàn cầu do đó sẽ không giảm đi mà chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác.
 
Ngoài ra, theo cơ chế REDD, chỉ các nước có mức độ che phủ rừng cao và tốc độ phá rừng lớn (High forest cover and high deforestation countries – HFHD) mới được xem xét là đối tượng để thực thi và nhận chi trả tài chính từ REDD. Việc chi trả này có ý nghĩa đền bù để các nước HFHD giảm tốc độ phá rừng tại quốc gia họ. Điều này có thể kích thích các nước có tỷ lệ che phủ cao và tốc độ phá rừng thấp (High cover and low deforestation countries – HFLD) phá rừng để nhận chi trả đền bù. Rủi ro này cũng có thể xảy ra trong phạm vi quốc gia thực thi REDD.

Bên cạnh đó, REDD quan tâm nhiều hơn đến việc giảm phát thải. Các nguyên nhân chính của phá rừng và suy thoái rừng không được quan tâm đúng mức trong quá trình thực thi REDD vì thế có thể làm giảm tính hiệu quả của nỗ lực bảo vệ rừng.

REDD và cộng đồng bản địa

Trong khi Hội nghị Thượng đỉnh về Thương mại Các-bon thường niên lần thứ hai đang diễn ra sôi nổi, thì ngay trước thềm hội nghị, người dân bản địa đã tập trung đông đúc và lên án rằng việc “bán bầu trời” không chỉ làm vấy bẩn những giá trị thiêng liêng mà còn phá hủy khí hậu, vi phạm quyền con người và đe dọa sự sống còn của các nền văn hóa bản địa.

Nhiều cộng đồng dân cư trên thế giới cũng bày tỏ quan điểm phản đối REDD trên các diễn đàn và hội nghị với các phát biểu như “Chúng tôi không muốn bị các nước phát triển sử dụng như công cụ”.

REDD có thể có những tác động sâu sắc đến cộng đồng dân cư bản địa đặc biệt là những người nghèo và những người phụ thuộc vào rừng. Mức độ tác động phụ thuộc vào cách tiếp cận và trình độ quản lý của chính phủ. Nếu chính phủ nước thực thi REDD bảo vệ rừng thông qua việc xây dựng các khu bảo tồn hoặc vườn quốc gia…, song lại không tạo được sinh kế ổn định cho các cộng đồng bản địa buộc phải di cư, việc thực thi REDD trong trường hợp này có thể gây ra nhiều hệ lụy, tác động sâu sắc đến người nghèo và người phụ thuộc vào rừng.

UNDRIP – Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của người bản địa và yêu cầu tham vấn cộng đồng đang được nghiên cứu và đưa vào REDD nhằm hạn chế các rủi ro. Tuy nhiên, do những hiểu biết hạn chế của cả cán bộ thực thi và người dân tại các quốc gia đang phát triển, việc đảm bảo quyền của người bản địa và tham vấn cộng đồng có thể không đảm bảo tính khách quan như mong đợi.

Ngoài ra, các vấn đề về chia sẻ lợi ích có thể gây ra xung đột giữa các bên liên quan, giữa các cộng đồng dân cư hoặc ngay trong một cộng đồng dân cư. Nguyên tắc hướng tới cộng đồng nghèo trong cơ chế thực thi REDD vì vậy là một trong những định hướng quan trọng nhằm giải quyết các rủi ro như vậy.

Theo kế hoạch, việc thực thi REDD sẽ được kết luận trong Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần tới tại Mexico.