ThienNhien.Net – Ô nhiễm bụi đang trở thành thách thức đối với chất lượng môi trường không khí ở các đô thị lớn ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, hàm lượng ô nhiễm tại các nút giao thông và công trường đang xây dựng luôn vượt Quy chuẩn Việt Nam.
Hội thảo “Ô nhiễm không khí, Biến đổi khí hậu và Tác động sức khỏe tại Việt Nam” do Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 11/09 đã đưa ra cảnh báo về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm bụi tại các đô thị.
Báo động tại các đô thị lớn
Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ô nhiễm không khí, chất thải rắn, nước thải đã tới mức đáng báo động. Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, không khí ở hầu hết các khu vực dân cư nội đô đều bị ô nhiễm. Đặc biệt, các khu vực như đường Khuất Duy Tiến, Quốc lộ 32, đường Nguyễn Trãi… ô nhiễm bụi đang ở mức cao nhất Hà Nội và xu hướng ngày càng gia tăng.
Các khu vực ngã tư có mật độ xe lưu thông cao, nồng độ bụi cũng vượt quy chuẩn cho phép. Kết quả quan trắc bụi giao thông 6 tháng đầu năm 2009 cho thấy tại 250 điểm đo kiểm, có 180 điểm có hàm lượng bụi lơ lửng vượt quy chuẩn.
Nồng độ bụi tại TP Hồ Chí Minh cũng có xu hướng ngày càng gia tăng và vượt từ 1,08 – 1,55 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Bụi là vấn đề đáng lo ngại nhất bởi đến 89% giá trị quan trắc không đạt chuẩn.
Ô nhiễm không khí tại khu công nghiệp cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Khảo sát gần đây cho thấy, lĩnh vực công nghiệp chiếm 40% nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) – Nguyễn Văn Thanh cho biết, 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp.
Mức độ ô nhiễm ở các khu công nghiệp tăng cao là do các biện pháp xử lý khí thải còn khá đơn giản, nhiều doanh nghiệp không tự giác áp dụng các công nghệ vào xử lý khí thải hoặc cố ý xả thải không qua xử lý.
Bên cạnh đó, các khu công nghiệp chưa có các công cụ để tính toán lượng khí thải ô nhiễm, chưa thống nhất cách tính ô nhiễm từ nhiên liệu, loại hình công nghệ, trình độ công nghệ.
Tăng năng lực hệ thống quan trắc
Hiện Việt Nam có 21 trạm quan trắc không khí. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường – Hoàng Dương Tùng, công tác quan trắc và kiểm kê nguồn thải còn nhiều hạn chế, hoạt động quan trắc phân tán, chưa theo quy trình thống nhất dẫn đến việc kiểm soát ô nhiễm bụi gặp nhiều khó khăn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng, cần chú trọng đặc biệt đến các công nghệ mới trong quan trắc môi trường không khí bởi đây là căn cứ quan trọng để có các giải pháp triệt để giảm ô nhiễm. Và hiện nay, một số địa phương cũng bắt đầu thực hiện các biện pháp đối phó với ô nhiễm không khí.
Theo Đề án xử lý ô nhiễm môi trường của Hà Nội, thành phố sẽ tập trung giải quyết 3 vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc nhất, trong đó có vấn đề ô nhiễm không khí do bụi, khí thải giao thông.
Cụ thể, Hà Nội sẽ xây dựng mạng lưới quan trắc không khí cho thành phố, ưu tiên thiết lập mạng lưới các trạm quan trắc cố định. Trong đó, sẽ tập trung quan trắc xác định những khu vực ô nhiễm trọng điểm ở nội thành và các khu vực phát triển đô thị.
Nhiều giải pháp cũng được đề xuất để giảm ô nhiễm không khí khu công nghiệp, như kiên quyết di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, khu dân cư; tăng cường kiểm tra và giám sát định kỳ việc tuân thủ theo các tiêu chuẩn Việt Nam về mức độ ô nhiễm không khí. Dựa trên các kết quả kiểm tra có thể thực hiện việc cấp phép hạn mức phát thải các chất ô nhiễm không khí cho các doanh nghiệp.