Thảm kịch đằng sau vụ khủng bố 11/9

ThienNhien.Net – Vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ngày 11/09 đã làm cả thế giới kinh hoàng bởi mức độ tàn phá và tính chất khủng bố của nó. Chín năm đã trôi qua, song ít người biết rằng đằng sau thảm họa ấy, vô số người dân New York vẫn đang phải đối mặt với một bi kịch khác, cướp đi nhiều sinh mạng hơn số nó đã cướp đi vào ngày xảy ra vụ khủng bố.


Những “nạn nhân chìm”

Trong ngày 11 tháng 9 chín năm về trước, 2.975 người đã chết trong vụ khủng bố tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ. Những sang trấn tâm lý và thương tổn mà các nạn nhân và gia đình họ phải gánh chịu thật khó mà kể hết.

Tuy nhiên, mối hiểm nguy mà người dân New York phải đối mặt chưa dừng lại ở đó. Ngoài số người mất trong ngày khủng bố, nước Mỹ còn hàng nghìn “nạn nhân chìm”. Họ là những người hít phải thứ bụi độc hại bao phủ khu Ground Zero và mắc bệnh sau đó. Thực tế, số người có thể chết vì tác động của bụi còn nhiều hơn người chết bởi bản thân vụ tấn công.

Số nạn nhân này bao gồm các nhân viên văn phòng, các chủ cửa hiệu, sinh viên, người dân địa phương và bị ảnh hưởng nặng nề nhất là lực lượng “phản ứng nhanh” gồm các nhân viên y tế, cứu trợ và các tình nguyện viên, những người làm việc trực tiếp tại hiện trường vụ tấn công. Họ là những người đến để cứu mạng người khác nhưng nay đang phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình.

11/9- một Chernobưn khác

 

Cơ quan Y tế Thành phố New York đã ghi nhận 817 trường hợp thuộc lực lượng phản ứng của WTC bị tử vong vì các bệnh mắc phải do làm việc tại hiện trường vụ khủng bố. Song, theo các số liệu chính thức của Chương trình Môi trường và Điều trị Y tế WTC thì hiện vẫn còn 20.000 trường hợp đang mắc bệnh.

Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo Cơ quan Đăng ký Y tế của WTC, đã có 410.000 người phơi nhiễm nặng các chất độc hại ở WTC, mắc các bệnh về hô hấp và ung thư. Điều này biến vụ khủng bố 11/9 thành thảm họa môi trường trầm trọng tương đương thảm họa nguyên tử ở Chernobưn (Nga), thảm họa mà số trường hợp tử vong và mắc bệnh trong suốt 20 năm sau đó đã vượt xa số người chết ban đầu.

Lớp bụi từ vụ sụp đổ tòa tháp đôi hôm 11/9 dày và phát tán xa đến nỗi người ta có thể viết tên mình trên nóc những chiếc xe ô tô đỗ cách đó hơn 1km. Đám bụi ấy chứa các hóa chất độc hại như amiang, chì, dioxin, các hóa chất PVC chết người, thủy ngân từ vô số đèn huỳnh quang vỡ, cùng lượng khí thải của 200.000 gallon dầu diesel cháy âm ỉ bên dưới khu vực xảy ra thảm họa.

Robin Herbert, đồng giám đốc của Chương trình Giám sát Y tế thuộc WTC từng bày tỏ mối quan ngại về sự kết hợp của các yếu tố gây ung thư do hóa chất bị phát tán. Các nhà quan sát cũng đã nhận thấy xu hướng các bệnh ung thư đang phát triển nhanh và nhiều dạng ở các nhân viên cứu trợ.

Bọc trong bụi độc…

Trong tình huống cấp thiết phải cứu người sống sót từ đống đổ nát, các điều kiện an toàn vô cùng quan trọng dường như đã bị bỏ qua, trong khi những nhà chức trách lại đưa ra những chỉ dẫn đầy mâu thuẫn.

Các nhân viên cứu hộ đã phải làm việc trong điều kiện không có quần áo bảo hộ theo quy chuẩn an toàn. Còn các gia đình sống trong vùng lân cận được khuyên dùng giẻ ướt để lau bụi độc. Chưa hết, một tuần sau cuộc tấn công, trong một nỗ lực lên giây cót tinh thần cho người dân New York và tái khởi động khu tài chính Manhattan, công nhân viên địa phương, sinh viên và người dân đã được thuyết phục rằng tình hình đã an toàn và họ có thể trở lại với văn phòng, trường học và nhà mình.

Và hoạt động kinh doanh lại diễn ra bình thường. Wall Street mở cửa trở lại. New York tiếp tục sôi động.

Thế nhưng, với những “nạn nhân chìm” cuộc sống không còn bình yên như trước. 70% nhân viên cứu trợ đã được chẩn đoán gặp các vấn đề nghiêm trọng về đường hô hấp. Và vụ bê bối thực sự là việc chăm sóc sức khỏe sau thảm họa đã bị lờ đi.

… và bị lãng quên

David Miller, 41 tuổi, là một trong những tấm gương anh hùng sau vụ 11/9 hiện đang mắc bệnh ung thư và vẫn đang kiên trì đấu tranh cho mình và cho những nạn nhân khác để được đền bù. David đã khởi xướng thành lập một tổ chức từ thiện vận động hành lang mang tên “9/11 Health Now”, nơi kết nối hàng ngàn nạn nhân bị ảnh hưởng do tiếp xúc với bụi độc hại và đang phải chịu thiệt hại cả về sức khỏe và tài chính vì gánh nặng chi phí y tế mà không được hưởng chế độ bảo hiểm.

Lướt qua trang web 911healthnow.com, có thể thấy rất nhiều câu chuyện và số phận thương tâm. Đây là người đàn ông mới 32 tuổi, thoát khỏi vụ nổ kinh hoàng nhưng lại mắc chứng bệnh ung thư bạch cầu. Kia là vợ của một người cảnh sát, bị phơi nhiễm với bụi độc hại của vụ 9/11 vì giặt đồng phục của chồng và tám tháng sau đã mắc căn bệnh đau cơ xơ hóa và dây thần kinh cũng bị ảnh hưởng. Còn đây là người một bà mẹ sinh ra đứa con mắc dị tật bẩm sinh vì khi vụ 9/11 xảy ra cô đã bị phơi nhiễm khi đang mang thai…

Tất cả họ đều đang đấu tranh đòi được hỗ trợ tài chính. Song, vì số lượng bệnh nhân mắc các chứng bệnh nặng quá đông đảo, nên thật khó cho họ khi phải đấu tranh cho trường hợp của riêng mình. Thêm nữa, cũng rất ít người công khai câu chuyện của mình vì lo sợ bỏ lỡ cơ hội được đền bù. Và vì vậy, đây vẫn là câu chuyện chưa được biết đến rộng rãi ở Mỹ.

Sự kiện 11/9 là chưa từng có tiền lệ và vì vậy chưa có điều luật hiện hành nào bênh vực và hỗ trợ pháp lý cho các nhân viên cứu trợ đòi bồi thường. Thực tế nhiều nhân viên cứu trợ là các tình nguyện viên và họ không được hưởng chính sách bảo hiểm. Hơn nữa, việc chứng minh mối liên hệ giữa việc phơi nhiễm chất độc và tình trạng bệnh tật lại vô cùng phức tạp. Thực tế cho thấy 62% số đơn đòi bồi thường đã bị từ chối.

Trong khi đó, Dự Luật bồi thường sức khỏe cho các nạn nhân của vụ 11/9 đã bị Quốc hội Mỹ bác bỏ hồi tháng 7 năm nay.

Các nạn nhân trong tòa tháp, những người ra đi vĩnh viễn vào ngày thảm họa được quan tâm hơn cả trong vụ 11/9. Tuy nhiên, những “nạn nhân chìm” vốn đông đảo hơn rất nhiều đang phải trải qua con đường đấu tranh chông gai để được lắng nghe, để được chữa trị, và những câu chuyện của họ đáng được biết tới rộng rãi.