Lời than bên hồ Ba Bể

ThienNhien.Net – Nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia, ven hồ tự nhiên Ba Bể rộng lớn, đây là vùng sơn thủy hữu tình, được ví như viên ngọc xanh của vùng Đông Bắc. Vậy mà mấy chục năm nay hàng trăm hộ dân thuộc 5/8 thôn của xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) luôn phải sống trong cảnh điện không, đường khó.


Xã nghèo giữa khu du lịch

Xã Nam Mẫu từ lâu đã được nhiều người biết đến là xã nghèo nhất nhì huyện Ba Bể. Là xã thuộc vùng 135 của chính phủ, với diện tích tự nhiên là 6. 649ha, gồm 387 hộ, 1.955 nhân khẩu, gần một nửa dân số của xã thuộc diện nghèo (42,6%), dân tộc Tày chiếm tỷ lệ cao nhất 58,9%, còn lại là dân tộc Mông, Dao, Kinh sống xen kẽ nhau.

Không biết từ bao giờ, bà con các dân tộc đã đến vùng đất xã Nam Mẫu khai hoang vỡ ruộng, chỉ biết phần lớn đất đai người dân nơi đây đang sống là của cha ông họ để lại.

Năm 1992, Vườn quốc gia Ba Bể được thành lập, nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, đồng thời xây dựng vùng hồ Ba Bể làm nơi thăm quan nghỉ mát cho du khách gần xa. Hàng nghìn người đã thấp thỏm vui mừng vì họ nghĩ khi Vườn được đầu tư, khu du lịch được đón khách, thì họ có cơ hội để phát triển kinh tế, cuộc sống sẽ được đổi thay. Thế nhưng, từ đó đến nay họ vẫn chưa dứt được khỏi cái nghèo đeo bám dai dẳng suốt mấy chục năm qua.

“Người dân nơi đây phát triển kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, diện tích lúa nước và ngô đều ngang với mặt hồ nên khi lũ về nước dâng lên là cả cánh đồng ngập hết, thiên tai lại diễn ra triền miên. Vào ngày 18.5.2010 cơn lốc mạnh qua đây đã khiến nhiều nhà bị tốc mái, hàng chục ha hoa màu bị hư hại nặng…”- bà Nguyễn Thị Hằng, phó bí thư Đảng ủy xã Nam Mẫu chia sẻ cùng chúng tôi.

Được biết năm 1999 toàn xã Nam Mẫu có hơn 80% là hộ nghèo, đến nay con số đó đã giảm xuống chỉ còn 42,6% (166/ 387 hộ) và 26 hộ cận nghèo, bình quân lương thực đầu người trong xã chỉ đạt 500kg/người/năm, thu nhập trung bình khoảng 3 triệu đồng/người/năm. Đã nghèo, mùa màng lại bị thất bát, cuộc sống của người dân đã khó khăn nay lại cơ cực trăm bề.

Chăn nuôi là loại hình kinh tế khá phổ biến của người dân vùng cao Đông Bắc. Vậy nhưng, con số vật nuôi nơi đây vô cùng hạn chế, bà Hằng cho biết: “Hiện nay trong xã có 526 con trâu, 254 con bò, 800 con lợn, 152 con dê, gia cầm là loài vật nuôi dễ nuôi nhất nhưng con số cũng chỉ xấp xỉ 1.000 con.

Với những con số nhỏ nhoi đó thật khó có thể đưa vùng đất sơn thủy hữu tình này thoát khỏi cái nghèo. Đặc biệt là toàn xã có 5/8 thôn đặc biệt khó khăn, có thôn cách trung tâm xã tới hơn 40 cây số đường đèo dốc (thôn Đán Mảy), thôn khác thì phải đi xuồng hàng giờ đồng hồ mới tới (thôn Bản Cám). Hiện nay có 5/8 thôn đó vẫn chưa có điện lưới quốc gia cũng như nhà ở bán trú cho giáo viên mẫu giáo, mặc dù ủy ban xã chật hẹp nhưng vẫn phải nhường một phòng cho giáo viên ở. Vậy nên cái nghèo đã đeo bám lấy họ suốt mấy chục năm qua và ước mơ thoát nghèo vẫn luôn cháy trong tâm can họ.

Hướng đi nào cho Nam Mẫu?

Được biết, theo nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, xã Nam Mẫu đã ưu tiên cho hộ nghèo trong xã về cây giống, vật nuôi, phân bón… Đồng thời hỗ trợ các mô hình chăn nuôi bò, trồng cỏ cho 4 thôn bản vùng cao là Đán Mảy, Khau Qua, Nặm Dài, Nà Nghè. Nhưng chương trình rót vốn rất nhỏ giọt nên cuộc sống của bà con vẫn chẳng được cải thiện là bao.

Do nằm trong vùng lõi của vườn quốc nên hướng thoát nghèo của bà con vô cùng khó khăn, khi những cơ sở hạ tầng thiết yếu nhất để phục vụ cho đời sống sinh hoạt cũng chưa có. Thiếu điện, cuộc sống của bà con đã khó khăn lại càng thêm tăm tối.

Hạ tầng giao thông ở đây cũng vẫn còn là nỗi ám ảnh. Đường để tới được 4 thôn vùng cao rất khó khăn, toàn là đường đèo dốc, trời mưa đi bộ còn khó. Nhằm khắc phục điều kiện đi lại, bà con mỗi năm bỏ hàng trăm công lao động để cải tạo lại đường nhưng đoạn đẹp nhất cũng chỉ chứa được một chiếc xe máy nhảy chồm chồm trên những cung đường toàn đá.

 
Để vào được các thôn bản vùng cao của xã Nam Mẫu, chỉ có cách duy nhất là đi bộ.

Ông Nông Văn Hoành, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nam Mẫu cho biết: “Năm 2008 dựa theo nguồn vốn ưu đãi của tỉnh Bắc Kạn xét xây dựng các tuyến đường liên thôn, có đo đạc rồi nhưng không hiểu lý do gì mà không thi công nữa, đến nay vẫn chưa nhận được thông báo”. Chính vì thế nhiều người dân họ vẫn đang mong đợi ngày con đường được mở vào tận thôn, và hy vọng đó cũng là ngày thoát nghèo của họ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết bà con nơi đây cho rằng, không có đường là vì họ sống trong vùng lõi của vườn quốc gia, nếu làm đường sẽ gây mất mỹ quan và tác động đến môi trường nên Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Bể không cho làm. Họ đến đây trước khi thành lập Vườn Quốc gia Ba Bể, nếu có chính sách di dân họ sẵn sàng chuyển nhưng nơi ở mới phải tốt hơn nơi cũ.

Đem những thắc mắc của người dân địa phương đến tham khảo ý kiến của ông Nông Thế Diễn – Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể, chúng tôi được ông cho biết: “Về điện, đường thì một số thôn bản người Tày gần đường đã có rồi, còn một số bản vùng cao thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt thì chưa thấy chính quyền địa phương có ý kiến gì. Trước dây Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến xem xét, trước mắt cho ở nhưng về lâu dài vẫn phải tính toán đến tái định cư và cần kiên trì vận động để bà con nhận thức là khi tái định cư ra ngoài nhà nước sẽ đầu tư, con em mới có điều kiện học hành”.

Phó Bí thư xã Nam Mẫu thì cho biết cũng đã đề xuất lên tỉnh nhưng đến nay tất cả những gì họ có vẫn chỉ là những lời hứa. “Thuận lợi nhất ở đây là có chương trình 135 của chính phủ, đã ưu tiên làm trường học cho 4 thôn bản vùng cao, hiện nay 4 thôn đó đã có 19 phòng học, trong đó có 4 phòng học lớp mẫu giáo và 15 phòng học bậc tiểu học”, bà Hằng cho biết thêm.

Tuy nhiên, chừng nào nguồn điện thắp sáng và đường giao thông buôn bán chưa vào tới thôn thì Nam Mẫu khó có thể thoát nghèo. Ít đất ruộng để canh tác, dân số ngày một đông lên, lại sống sát rừng, họ bất đắc dĩ trở thành sức ép lên khu vườn quốc gia này, chỉ vì sinh kế.