ThienNhien.Net – Vấn nạn khai thác trái phép rừng nghiến trong Vườn quốc gia Ba Bể có tác động rất lớn đến môi trường tự nhiên và hệ sinh thái. Nhiều cây gỗ nghiến cổ thụ bị “phanh thây”, cắt thớt, lũ lượt xuống núi. Thế nhưng, điều đáng buồn là chính những nhà chức trách lại tỏ ra mập mờ đối với việc bảo vệ và quản lý khối tài sản vô giá trong tay mình.
Tiếng kêu cứu từ Vườn quốc gia Ba Bể – Kỳ 1
“Vườn nghiến” xuống phố
Đa số cây gỗ bị đốn tại “nghĩa địa” nghiến mà chúng tôi chứng kiến chưa bị xẻ. Anh H. dẫn đường cho biết rải rác xung quanh khu vực hai cột mốc số 48 và 49 có một số cây nghiến đã được lâm tặc xẻ thành thanh, thành thớt rồi vận chuyển ra khỏi rừng. Do địa hình núi đá không tận dụng sức trâu kéo được nên lâm tặc thường phanh gỗ thành những thanh nhỏ tầm một đến hai người vác. Lối đi của những kẻ rước gỗ khỏi rừng đã tạo thành vệt mòn.
Cách vùng rừng bị tàn phá mà chúng tôi đến chừng cây số là nhà của bà con dân tộc Dao. Nhóm “săn tìm thuốc Nam” chúng tôi ghé vào xin nước uống. Bên hiên nhà, 6 chiếc thớt gỗ nghiến xếp chồng khá ngay ngắn. Sát bể nước có chục bao tải mà chủ nhà cho biết đó măng rừng đã được luộc chín. Cạnh đó, lò sấy măng đang bốc khói nghi ngút, củi đun là cành cây gỗ nghiến phơi khô.
Ngay dưới chân núi, thuộc thôn Bản Lồm có một cánh đồng nhỏ và một số nương sắn, đậu tương của bà con. Nghe nói lâm tặc dùng con đường mòn ở đó để vận chuyển gỗ lậu ra trung tâm xã tập kết, rồi dùng xe máy theo đường liên xã mà đưa gỗ vượt đèo sang huyện Chợ Đồn.
Ông Dương Xuân Tứ, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Nam Cường chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay trạm chúng tôi bắt 3 vụ vận chuyển gỗ nghiến trái phép, có vụ khi phát hiện chúng tôi chặn bắt lâm tặc dùng dao chém đứt dây chằng rồi bỏ gỗ chạy trốn. Nhưng riêng khu vực chúng tôi được giao bảo vệ từ cột mốc số 54 đến 58 thì không có hiện trường phá rừng nào”. Theo cái lý của ông Tứ, trạm Nam Cường được xây dựng hoàn thành năm 2008, do xây dựng ở nơi đường dốc và cua nên khi lâm tặc qua đây chúng thường tắt máy trôi xe, rất khó phát hiện. Vậy nên những năm qua, gỗ nghiến vẫn không cánh mà bay ra khỏi vườn quốc gia Ba Bể.
“Bình thường thôi” hay “khá nhiều”?
Ra tới thị trấn Chợ Rã, cách Vườn quốc gia Ba Bể 20km, chúng tôi được anh T. dân địa phương cho biết tại xã Cao Thượng (Ba Bể) chỉ trong diện tích khoảng hơn 1 ha có hàng trăm cây gỗ nghiến bị xẻ thịt và cả khu vực thôn Pắc Ngòi (Nam Mẫu – Ba Bể) cũng bị lâm tặc xẻ không ít. Vì sao khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt này lại xảy ra tình trạng như vậy?
|
Đem câu hỏi này phỏng vấn ông Nông Thế Diễn, Giám đốc Vườn quốc gia Ba Bể, với bằng chứng là tình trạng phá rừng mà chúng tôi đã được mục sở thị ở khu vực cột mốc số 48 và 49, chúng tôi nhận được câu trả lời rằng: “Bình thường thôi, không có nóng hổi đâu. Ở khu giáp ranh xã Nam Cường có mấy thằng nó chặt từ trước rồi, nhưng địa bàn xa, anh em đang phục xem nó chặt xong nó đi đường nào? Có cưa xẻ gì không?”.
Cũng với câu hỏi đó, ông Nguyễn Văn Quốc, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Quảng Khê (đơn vị trực tiếp bảo vệ rừng khu vực cột mốc số 48 và 49) cho biết “Có khá nhiều cây bị đốn đấy, nhưng cũ rồi, mới thì chỉ có mấy cây thôi. Ngày 23.07.2010 có 9 cây mới bị hạ, hầu như chúng tôi làm hết cách rồi nhưng mà vẫn chưa bắt được ai, chỉ thu được 4 – 5 chiếc cưa máy. Họ chặt xuống nhưng chưa xẻ, nếu xẻ thì vào ban đêm nên rất khó bắt, chúng tôi vẫn đang tìm cách phục bắt. Số lượng cây bị xẻ nhiều nhất vào cuối năm 2009, đầu năm 2010, hiện nay cả vùng ven giáp ranh và vùng lõi bị hạ 46 cây. Họ phá rừng làm thớt đem bán, chúng tôi vẫn thường xuyên tuần tra, kiểm tra”.
“Những cây gỗ nghiến bị chặt hạ ở đây là nghiến cổ thụ, có những cây lên tới hơn chục mét khối, cây nhỏ nhất cũng được 5 mét khối”, anh Triệu Văn Đ, người dân xã Quảng Khê nhẩm tính. Theo như anh Đ nói, chúng ta chỉ cần làm một phép tính đơn giản, 46 cây nghiến nhân với 5 mét khối/1 cây (tính cây nhỏ nhất). Được bao nhiêu hẳn Ban quản lý Vườn đều biết?
Ông Nông Quốc Hoành, Phó chủ tịch xã Nam Mẫu, nơi cũng có rừng bị phá tại thôn Pác Ngòi, bức xúc: “Nếu tình trạng quản lý nguồn tài nguyên quốc gia như hiện nay thì rừng không những không phát triển được mà ngày càng mất đi, dân nơi khác thì kéo đến, họ làm nhà thì bắt buộc phải lấy gỗ trong rừng, phức tạp hơn là một số đối tượng tiếp tay cho người nơi khác đến phá”.