Tiếng kêu cứu từ Vườn quốc gia Ba Bể – Kỳ 1

ThienNhien.Net – Khu vực có mật độ phân bố cây gỗ nghiến cao của Ba Bể đã được chọn làm nơi bảo tồn nguồn gen. Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) từ lâu đã được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng cách đây một năm nơi đây bỗng chốc trở thành một điểm nóng về khai thác gỗ nghiến trái phép với quy mô lớn.


Thâm nhập rừng cấm

Từ trung tâm xã Nam Cường (Ba Bể – Bắc Kạn), theo chỉ dẫn của anh H., người dân xã Quảng Khê (Ba Bể), chúng tôi vượt gần chục cây số đường đèo dốc, đi qua những ngôi nhà sàn khang trang, ván lát, lịa bằng gỗ nghiến được sơn vàng óng ánh, đến thôn Bản Lồm. Tới đầu thôn, chúng tôi gặp một thanh niên đi xe Win, đằng sau buộc chiếc cưa máy sáng loáng dài như cái đòn gánh. Ném ánh mắt đầy nghi ngờ về phía chúng tôi, anh ta quay đầu xe phóng vù vào thôn rồi mất hút.

Mặc dù sắm vai những kẻ đi lùng thuốc nam nhưng chúng tôi không tránh được ánh mắt hoài nghi của dân bản. Có người xua tay “Nhầm đường rồi, nhầm rồi”. Thấy người lạ, một người đàn ông đưa tay lên miệng hú vang rồi nói cười huyên thuyên, giả bộ như người không bình thường. Xa xa từ cánh rừng thẳm trước mắt có tiếng hú đáp lại, anh H. bảo: “Ở đây không có sóng điện thoại nên họ bắn tin như vậy đấy”.

Nửa tiếng vượt qua những vách đá tai mèo, chúng tôi tới khu rừng giáp ranh giữa hai cột mốc số 48 và 49 thuộc vùng lõi của Vườn quốc gia. Cây cột mốc số 49 bằng bê tông đã bị đập vụn.

Quả như lời người dẫn đường rằng “Đi một đoạn nữa thôi sẽ thấy”, mới qua cột mốc số 49 chừng hai chục mét, trước mắt chúng tôi hiện ra những khúc gỗ nghiến mặt cưa đã sậm lại, nằm chồng gối lên nhau. Người dẫn đường của chúng tôi, dù thâm niên đi rừng không ít nhưng cũng không xác định được chính xác nạn phá rừng trong vườn quốc gia đã diễn ra từ bao giờ.

Bà con thôn bản trước vẫn vào rừng lấy gỗ làm nhà, nhưng gỗ làm nhà thôi thì cũng chưa đủ để tàn phá rừng nghiến cả trăm năm tuổi. Chỉ khi những chiếc cưa máy chạy bằng xăng pha nhớt (người dân nơi đây gọi là cưa lốc) xuất hiện, rừng nghiến nơi đây và những cánh rừng miền núi phía Bắc khác mới thực sự bị đe dọa.

“Nghĩa địa” nghiến cổ thụ

Lời quảng cáo thu hút sự tò mò của anh chàng “thổ địa” đã kéo chúng tôi ra khỏi cơn phờ phạc vì đói, mệt. Quả thực, chỉ ít phút sau, trước mắt chúng tôi hiện ra cả một thảm rừng xơ xác, hàng chục cây nghiến cổ thụ nằm ngổn ngang, có thân gỗ đường kính tới mét rưỡi. Những thân xanh còn nguyên lá cành, dài tới đôi ba chục mét nằm sõng xoài “phơi thây” theo sườn dốc, gối lên những vách đá tai mèo.

Sờ vào những thân gỗ sần sùi, nhựa còn đỏ au trên mặt cắt, chúng tôi ai cũng xuýt xoa tiếc nuối, tiếc cho những “cụ” nghiến hàng trăm năm sống bám trên núi đá, đã từng một thời sừng sững thách thức với thời gian. Nhưng nay, sự tàn phá không thương tiếc của lâm tặc khiến các “cụ” cũng phải oằn mình đổ xuống trong tiếng rít vang trời của cưa lốc.

Khi những cây nghiến cổ thụ bị cưa đổ, theo đó sẽ có một thảm thực vật xung quanh cũng bị bầm giập mà héo mòn theo. Càng đi sâu vào gần cột mốc số 48, cảnh tượng rút lõi Ba Bể càng khủng khiếp. Cả một vùng nghiến nằm la liệt như chiến địa vừa tàn cuộc, có cả những gốc nghiến diện tích mặt cắt suýt soát vừa để rải cái chiếu đôi lên che cái khúc “tử thi” vừa chết tức tưởi.

 
Hàng chục cây nghiến bị chặt hạ, nằm gối lên nhau.

Có những thân gỗ  nghiến đường kính dài tới mét rưỡi

Tôi hơi thắc mắc vì thấy lâm tặc cưa đổ nhiều cây chứ không xẻ. Có vẻ như lâm tặc đã không tận dụng triệt để cái sự cao giá của gỗ nghiến. Người tuần rừng đi cùng nhóm bảo: “Bọn lâm tặc chúng chơi bọn tôi đấy”.

Theo lời anh thì từ đầu năm đến nay do tình trạng khai thác rầm rộ rừng nghiến trong vùng lõi Vườn, lực lượng kiểm lâm đẩy mạnh hơn công tác tuần tra nên lâm tặc không xẻ và vận chuyển được gỗ ra khỏi rừng được. Bởi vậy, chúng lén cưa đổ những gốc nghiến cổ thụ cốt để chọc tức những nhà thực thi pháp luật.

Được biết, những kẻ phá rừng chính là một bộ phận bà con người Dao thuộc xã Nam Cường và một số kẻ từ nơi khác đến. Thủ đoạn của họ cũng đã trở nên tinh vi, cắt cử kẻ đứng canh và báo hiệu, có kẻ giám sát nhất cử nhất động của kiểm lâm và tổ tuần rừng.

Qua tìm hiểu chúng tôi cũng được biết việc khai thác trái phép gỗ nghiến thuộc vườn quốc gia Ba Bể diễn ra đã lâu những chỉ nóng lên từ đầu năm đến nay. Lâm tặc thì không thiếu gì mánh khóe, trong khi kiểm lâm vẫn luôn đương đầu với muôn vàn lý do khó khăn.

Vậy nên Vườn quốc gia đang ngày càng xơ xác, máu rừng cứ rưng rưng chảy.