Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ

ThienNhien.Net – Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã ký quyết định phê duyệt "Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020".


Theo đó, mục tiêu quy hoạch là xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia bảo đảm kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân; cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường phục vụ công tác quản lý Nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

Trọng tâm của quy hoạch này là Trung tâm điều hành quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường đặt tại Bộ Khoa học và Công nghệ (trung tâm điều hành). Trung tâm điều hành thực hiện việc kết nối thu thập dữ liệu trực tuyến từ các trạm, các điểm quan trắc trong mạng lưới; xử lý kết quả quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu phóng xạ quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật cho việc phân tích đánh giá diễn biến và điều hành ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.

Trung tâm điều hành định kỳ 6 tháng một lần hoặc đột xuất theo yêu cầu cung cấp dữ liệu về tình trạng phóng xạ môi trường cho hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia. Hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia có trách nhiệm cung cấp các dữ liệu về tài nguyên và môi trường cần thiết theo yêu cầu của trung tâm điều hành để thực hiện quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường.

Kiện toàn 4 trạm vùng và 6 trạm địa phương

Theo Quyết định, giai đoạn 2010 – 2015 sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm điều hành, kiện toàn đồng bộ 4 trạm vùng và 6 trạm địa phương. Trong đó, 4 trạm vùng đặt tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đà Lạt. 6 trạm địa phương đặt tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận.

Trạm vùng có nhiệm vụ thu nhận dữ liệu quan trắc trực tuyến từ các trạm địa phương; trực tiếp tham gia đánh giá hiện trường trong kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp tỉnh và cấp cơ sở;…

Trạm địa phương được xây dựng tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi không có trạm vùng và có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của các sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. Ngoài ra còn có hệ thống quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường thuộc Bộ Quốc phòng.

Giai đoạn 2016 – 2020, đưa vào hoạt động 10 trạm địa phương còn lại

Giai đoạn 2016 – 2020, xây dựng và đưa vào hoạt động 10 trạm địa phương còn lại ở các tỉnh như Nam Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang,….Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, phân tích phóng xạ môi trường của mạng lưới bảo đảm tính hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại.

Về hợp tác quốc tế, chủ trương mở rộng và tăng cường hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các nước nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế về kinh nghiệm, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, thông tin, thu hút đầu tư để phát triển mạng lưới.