ThienNhien.Net – Với những tầng đất tơi xốp và lớp phủ thực vật dày đậm, rừng trở thành thảm thực vật có tác dụng lưu trữ, điều tiết nguồn nước và hạn chế tình trạng xói mòn đất, bồi lắng lòng hồ. Việc xác định giá trị điều tiết nguồn nước và bảo vệ đất của rừng, theo đó, sẽ không chỉ nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của rừng mà còn là cơ sở cho việc xây dựng phương án chi trả dịch vụ môi trường rừng, thuyết phục người sử dụng – mà đối tượng chính ở đây là các nhà máy thủy điện và các cơ sở cung cấp nước – đồng ý chi trả dịch loại vụ này.
Theo PGS.TS Vương Văn Quỳnh (Trường Đại học Lâm nghiệp), giá trị điều tiết nguồn nước và bảo vệ đất của rừng đối với các nhà máy thủy điện và cơ sở cấp nước được hiểu là lợi ích rừng mang lại cho các cơ sở này nhờ khả năng điều tiết nước và bảo vệ đất của nó. Giá trị điều tiết nước và bảo vệ đất của rừng không phải là hằng số, nó thay đổi theo loại rừng, điều kiện địa lý và trình độ kỹ thuật sử dụng những giá trị đó. Rừng càng dày, rậm, đất dưới rừng càng tơi xốp thì khả năng giữ nước và bảo vệ đất của rừng càng cao, giá trị điều tiết nước và bảo vệ đất của nó càng lớn.
PGS.TS Quỳnh cho biết, hiện nay có nhiều phương pháp xác định giá trị môi trường, tuy nhiên, áp dụng thực tế vào việc xác định giá trị điều tiết nước và bảo vệ đất của rừng đối với thủy điện và cấp nước sinh hoạt ở Sơn La và Hòa Bình, ông cho rằng, có 2 phương pháp có thể áp dụng, gồm Phương pháp “Hàm sản xuất” và Phương pháp “Quy đổi”.
Phương pháp “Hàm sản xuất” là giá trị điều tiết nước của rừng được tính theo mức tăng thu nhập của các doanh nghiệp nhờ sử dụng nước do rừng tạo ra, giá trị bảo vệ đất của rừng được xác định theo lợi ích thu được nhờ rừng làm giảm tốc độ bồi lắng kéo dài thời gian hoạt động của hồ thủy điện. Trong khi đó, Phương pháp “Quy đổi” lại được tính theo chi phí để xây dựng một đập có sức chứa nước hữu ích tương đương.
Áp dụng cụ thể các bước và các phương pháp tính toán, PGS.TS Quỳnh khẳng định, với các cơ sở thủy điện ở Sơn La và Hòa Bình, giá trị điều tiết nguồn nước của rừng nhỏ hơn giá trị bảo vệ đất. Giá trị điều tiết nguồn nước dao động từ mức 11 – 17 đ/kwh, giá trị bảo vệ đất dao động từ 78 – 90 đ/kwh.
Với các cơ sở cấp nước, giá trị điều tiết nguồn nước và bảo vệ đất của rừng ở mức từ 180 – 200 đ/m3, tùy theo tuổi thọ của hồ là 40 hay 35 năm.
Mức tiền dịch vụ điều tiết nguồn nước và bảo vệ đất rừng đối với các cơ sở thủy điện cũng được đề xuất là 50 đ/kwh điện, tương đương 8,3% giá bán điện; đối với cơ sở cấp nước sinh hoạt là 100đ/m3, tương đương 3,3% giá bán nước.
Mức thu dự kiến từ 2 dịch vụ này ở Sơn La những năm tới có thể lên đến 400 – 800 tỷ đồng, gấp 4 – 8 lần so với mức dự kiến hiện nay (khoảng 110 tỷ).