ThienNhien.Net – Hiện nay, trên khắp thế giới, năng lượng sinh khối đang được theo đuổi như một lựa chọn cho nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã cho thấy dấu chân cacbon từ việc đốt cháy sinh khối có thể còn tồi tệ đối với hiện tượng ấm nóng toàn cầu hơn là than đá.
Trung tâm Khoa học Bảo tồn Manomet (Mỹ) đã thực hiện nghiên cứu này nhằm đo lường những tác động của khí nhà kính từ việc sử dụng sinh khối, vốn được cho là trong nhiều trường hợp không thể trung hoà cacbon sau một thời gian ngắn.
Những người ủng hộ phát triển năng lượng sinh khối vẫn lập luận rằng sinh khối không phát thải carbon bởi lẽ cây cối sẽ hấp thụ CO2 và khí thải carbon từ quá trình đốt gỗ tạo sinh khối vì thế sẽ được bù đắp khi cây cối tăng trưởng.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Trung tâm Manomet lại cho thấy, khoảng thời gian mà carbon từ quá trình tạo sinh khối có thể trung hoà sẽ kéo dài vài thập kỷ và vì thế nó đặt ra câu hỏi về vai trò của sinh khối trong mục tiêu giảm carbon.
Theo nghiên cứu, gỗ được đốt để tạo sinh khối sẽ phát ra khí nhà kính nhiều hơn trên một đơn vị năng lượng so với nhiên liệu hóa thạch, gọi là khoản “nợ cacbon” của sinh khối.
Nếu rừng được tái phát triển, khoản nợ sẽ được trả hết và bắt đầu cung cấp một “cổ tức carbon”, bởi vì nếu đốt năng lượng hoá thạch, khí thải sẽ ở mức cao hơn..
Tuy nhiên, khoản nợ cacbon này phải cần tới 21 năm mới được trả hết khi sử dụng sinh khối thay cho than đá để tạo điện và là hơn 90 năm so với việc sản xuất điện từ khí tự nhiên.
Sử dụng sinh khối để tạo nhiệt thay vì điện có lợi cho môi trường hơn. Đốt cháy gỗ tạo sinh khối để sưởi ấm một tòa nhà, một trường học… có thể trả “món nợ carbon” trong vòng 10-20 năm. Các nhà máy kết hợp tạo điện và nhiệt cũng thải ít carbon cho mỗi đơn vị năng lượng hơn so với nhà máy chỉ sản xuất điện.
Tuy nhiên, những người trong ngành công nghiệp sinh khối cho rằng, nghiên cứu này đã không vẽ một bức tranh hoàn toàn chính xác về các nhà máy điện sinh khối, bởi vì nó giả định rằng các nhà máy này không sử dụng sản phẩm gỗ dư thừa.
Cùng quan điểm, Hiệp hội Năng lượng Sinh khối cũng gọi đây là nghiên cứu gây hiểu nhầm bởi vì nó tập trung vào việc sử dụng rừng như một nguồn năng lượng sinh khối, thay vì gỗ phế thải và gỗ phụ phẩm.