Bí giải pháp cho các lò vôi hàu Lăng Cô

ThienNhien.Net – Tồn tại đã gần 30 năm nay, hàng chục lò vôi hàu của gần 200 hộ dân ở thôn An Lập (thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) vẫn đêm ngày hoạt động, biến Lăng Cô – một trong những vịnh đẹp nhất thế giới trở thành “đại công trường” chìm trong khói bụi, chất thải, ô nhiễm nghiêm trọng. Nhưng đáng nói hơn là bất chấp lệnh cấm làm vôi hàu (2004), người dân Lập An vẫn bám lấy cái nghề độc hại này, dù biết rằng sẽ phải đối mặt với những căn bệnh nguy hiểm. Và cũng từng ấy năm trôi qua, chính quyền Thừa Thiên Huế vẫn chưa có một phương án hữu hiệu nào để chấm dứt tình trạng này.


Với trữ lượng hàu gần 2 triệu tấn, nghề khai thác hàu và nung vôi ở ven đầm Lăng Cô đã tồn tại hàng chục năm nay ở thôn Lập An và Loan Lý (thị trấn Lăng Cô). Trong đó, riêng ở thôn Lập An, hơn 70% số dân của làng chủ yếu sống dựa vào nghề khai thác hàu và nung vôi.

Vì vậy, cứ vào mùa khai thác, cả một vùng nơi đây bị bao phủ bởi khói bụi trắng xóa từ hơn 30 máy khai thác và gần 20 lò vôi, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, cảnh quan của khu du lịch, cũng như đời sống, sức khỏe của chính người dân nơi đây.

Đặc biệt, việc dùng máy hút để khai thác hàu theo TS. Nguyễn Văn Canh, chuyên gia nghiên cứu về môi trường đầm phá (Đại học Khoa học Huế) là rất nguy hại vì lớp bùn mà các loài động thực vật sinh sống sẽ bị cày xới, khuấy đục, làm phá hủy hệ sinh thái trong đầm.

Tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/04/2003 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sản xuất vôi hàu ở Lăng Cô cũng được xếp đứng đầu trong số 9 làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm tại tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải được chấn chỉnh và sắp xếp lại.

Trước tình trạng này, gần sáu năm trước, UBND huyện Phú Lộc và tỉnh Thừa Thiên Huế đã có lệnh cấm khai thác hàu và nung vôi, đồng thời chuyển đổi ngành nghề cho người dân qua trồng nấm. Tuy nhiên, do đa phần người dân đã gắn bó lâu năm với nghề làm vôi, hơn nữa trồng nấm lại không hiệu quả, nên họ đành quay về với nghề cũ, dù biết sẽ nguy hại đến sức khỏe. Vậy là, lâu dần, lệnh cấm vẫn ban hành mà… vô hiệu lực.

Được biết, thôn Lập An trước đây cũng có 20ha đất nông nghiệp, nhưng do quy hoạch phát triển du lịch tuyến Chân Mây – Lăng Cô nên bị thu hẹp chỉ còn khoảng 5ha. Kế đến là một loạt các dự án du lịch, tái định cư… nối tiếp nhau đã dần xén hết những phần đất có thể sản xuất được ở đây. Bởi vậy, người dân Lập An nay chỉ biết bấu víu vào cái nghề làm vôi độc hại.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở Lăng Cô và vẫn đảm bảo sinh kế cho người dân, năm 2008, chính quyền thị trấn Lăng Cô đã giải quyết cho 20 hộ dân vay vốn từ 7 – 15 triệu đồng để chuyển đổi nghề nhưng ngoài nuôi trồng thủy sản, người dân không biết chuyển sang nghề gì, trong khi đó diện tích mặt nước ở đây gần như đã hết.

Một loạt các phương án khác cũng được đề xuất ngay sau đó như chuyển một số hộ sang kinh doanh buôn bán và giao đất để bà con trồng rừng, hay di dời những lò nung vôi sang phía Bắc đèo Phú Gia…nhưng tất cả đều không thực hiện được do địa phương thiếu kinh phí.

Và cho đến nay, đã nhiều năm trôi qua, chính quyền địa phương huyện Phú Lộc cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang loay hoay tìm giải pháp cho vấn đề môi trường ở Lăng Cô.