ThienNhien.Net – Ảnh hưởng từ quá trình sản xuất và phát triển kinh tế khiến nhiều đoạn sông, rạch thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị sạt lở nghiêm trọng. Một số phương án đã được triển khai thực hiện, nhưng do chi phí cao nên gặp nhiều khó khăn. Việc nghiên cứu và thử nghiệm thành công giải pháp mới – giải pháp chống sạt lở bằng thảm cát đã khắc phục được những mối lo về chi phí, kỹ thuật, đồng thời mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi trong toàn khu vực.
Giải pháp này lần đầu tiên được TS Trịnh Công Vấn (Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) thí nghiệm tại máng thủy lực của Viện, sau đó thực nghiệm tại khu vực sạt lở gần cầu Bình Phước trên sông Sài Gòn, quận Thủ Đức, TPHCM.
Qua khảo sát và tìm hiểu, TS Vấn nhận thấy, hầu hết lớp địa chất khu vực ĐBSCL đều là bồi tích trẻ, khả năng chịu xói của vật liệu lòng dẫn rất kém (0,5-0,8m/s), dễ dẫn đến hiện tượng xói lở trên toàn bộ các tuyến kênh rạch. Do không nắm rõ đặc tính này nên nhiều giải pháp trước đó như: gia cố mái sông tự nhiên bằng đá hộc thả rối, gia cố mái sông tự nhiên bằng thảm đá, gia cố mái sông tự nhiên bằng các lăng trụ bê tông… chỉ khắc phục được tác động của dòng chảy, chứ không chống được sạt lở.
Với thảm cát, TS Trịnh Công Vấn đã chứng minh được khả năng ứng dụng rộng rãi trong việc bảo vệ bờ sông, rạch khu vực ĐBSCL. Theo thiết kế, thảm cát gồm 2 lớp vải địa kỹ thuật được may lại thành “thảm” gồm các “ống” để bơm cát vào. Tuy nhiên, để chống được sạt lở, việc thiết kế các thảm cát này phải tính đến vận tốc dòng chảy. Nếu kích thước các ống cát đủ chịu vận tốc dòng chảy thì toàn bộ “thảm” cát sẽ ổn định và trở thành “áo” bảo vệ mái và lòng kênh không bị bào mòn bởi dòng chảy”.
Cũng theo TS Vấn, vải địa kỹ thuật được chế tạo từ những sản phẩm phụ của dầu mỏ, bao gồm các hợp chất chính như: polyester; polypropylene; polyamide gọi chung là polymer. Loại vải này sẽ đảm nhận chức năng giữ cát ổn định trong lòng vải, đồng thời cho phép nước thoát ra nhanh chóng.
Điểm nổi bật của thảm cát này là có thể chế tạo phù hợp với mọi kích cỡ lòng sông, kênh cần bảo vệ. Đồng thời việc thi công cũng rất đơn giản, thậm chí các hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình có thể tự thi công bằng các phương tiện sẵn có của mình. Sau khi được chế tạo, thảm được cuốn lại trong lõi là trục thép phục vụ cho việc trải thảm xuống sông thuận lợi. Tuy nhiên, cần chú ý, thảm cát không thích hợp với hoàn cảnh dòng chảy có lưu tốc lớn như của các sông khu vực miền Trung. Biện pháp thi công trải thảm cát tại các đoạn sông sâu cũng cần được nghiên cứu và hoàn thiện hơn.
Công trình nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn số 6/2010