ThienNhien.Net – Ngày 26/08, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt dự án trồng 1.000ha tre tầm vông (<i>Thyrsostachys siamensis</i>), mạnh tông (<i>Dendrocalamus asper</i>) trên diện tích đất được coi là rừng cạn kiệt tại huyện Đạ Tẻh. Cùng ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng và đại diện các hộ gia đình, doanh nghiệp sản xuất cũng đã ký biên bản ghi nhớ nhằm thực hiện thí điểm dự án trồng, quản lý và bảo vệ vùng nguyên liệu tre.
Dự án sẽ được thí điểm trong 5 năm và triển khai tại 3 tiểu khu là 536, 551B và 554B thuộc xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh. Trong đó, các doanh nghiệp được trồng tập trung khoảng 400ha, 600ha diện tích còn lại được trồng phân tán trong đất của các hộ gia đình đã nhận giao rừng, khoán rừng.
Dự án được kỳ vọng sẽ giúp hình hành một ngành công nghiệp tre năng suất cao, tạo ra nhiều công ăn việc làm và giúp cải thiện sinh kế cho người dân nghèo. Theo ước tính, thu nhập trung bình từ trồng tre đạt 29 đến 39 triệu đồng/ha/năm.
Trước mắt, trong 2 năm 2010 và 2011, đơn vị triển khai sẽ thực hiện xây dựng vườn ươm giống tre tầm vông, mạnh tông tại chỗ với số lượng khoảng 50.000 cây. Sau khi vùng nguyên liệu đã hình thành và đi vào hoạt động (dự kiến sau 5 năm) tại đây sẽ được xây dựng nhà máy chế biến măng đóng hộp và nhà máy chế biến lâm sản từ cây tre.
Theo thỏa thuận, các doanh nghiệp sẽ đầu tư vốn, tập huấn và chuyển giao công nghệ canh tác và thu hoạch cho người dân địa phương.
Ông Phạm Văn Án, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp được chọn làm thí điểm sẽ được hưởng nhiều ưu đãi và hỗ trợ từ địa phương, thủ tục đầu tư sẽ được rút ngắn và hoàn thành trong năm nay để doanh nghiệp kịp trồng vào mùa mưa năm 2011”.
Chương trình Bảo tồn Đa dạng sinh học vùng châu Á (ARBCP) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ sẽ điều phối dự án thí điểm này, nhằm đẩy mạnh sự hợp tác giữa các cơ quan địa phương, doanh nghiệp và người nông dân khi triển khai dự án.
ARBCP cũng sẽ hỗ trợ các hộ dân nghèo tạo ra cơ hội thu nhập, hạn chế phá rừng. Việc duy trì độ che phủ của rừng sẽ mang lại các dịch vụ môi trường có giá trị như bảo tồn đa dạng sinh học, điều tiết nước, bảo tồn đất, bồi hoàn các bon và các giá trị du lịch.
Tại Đạ Tẻh, ngoài chương trình trồng và chế biến tre, ARBCP cũng đang hỗ trợ nhiều chương trình nông lâm khác để cải thiện sinh kế cho người dân, khuyến khích các hộ gia đình tham gia vào thị trường, đồng thời góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.