Đi tìm những loài ếch “tuyệt chủng”

ThienNhien.Net – Các nhà bảo tồn trên thế giới đang khởi động một cuộc tìm kiếm toàn cầu các loài ếch bị cho là đã tuyệt chủng.


Nhà khoa học Robin Moore, thuộc tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (CI), người khởi xướng dự án kể trên, tin rằng họ sẽ tìm ra một số loài trong danh mục 100 loài đặt mục tiêu tìm kiếm.

Niềm tin này được củng cố vững chãi vì chính ông cùng các nhà khoa học Ecuador hai năm trước đã tìm được một loài lưỡng cư từng bị cho là tuyệt chủng từ 12 năm trước. Cuộc tìm kiếm những con ếch xanh nhỏ bé tưởng chừng vô vọng của họ đã có kết quả chỉ sau vài ngày.

Loài lưỡng cư hiện đang bị đe dọa nhất trên hành tinh, với một phần ba số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều loài lưỡng cư đã bị tiêu diệt bởi các bệnh do nấm có trong môi trường nước.

Vấn đề nghiêm trọng mang tính toàn cầu mà các loài lưỡng cư đang gặp phải hiện nay là sự mất dần môi trường sống bởi nạn phá rừng và tình trạng khô hạn các đầm lầy.

Ngoài tìm kiếm các loài lưỡng cư đã biến mất, dự án còn đặt mục tiêu bảo vệ các loài có nguy cơ trở thành nạn nhân của một mối đe dọa mới nhưng lại nguy hiểm hơn – bệnh nấm chytridiomycosis, vốn vẫn chưa có cách ngăn chặn lây nhiễm trong tự nhiên và lan rộng trên toàn cầu.

Căn bệnh nguy hiểm này đã khiến loài cóc vàng của Costa Rica (Incilius periglenes) vốn có “dân số” đông đúc trở thành tuyệt chủng chỉ trong vòng hơn một năm. Căn bệnh cũng được cho là nguyên nhân khiến một loài ếch ở Úc – loài duy nhất trong thế giới động vật nuôi nòng nọc trong dạ dầy – biến mất năm 1985.

Những mục tiêu hàng đầu của nhóm nghiên cứu là tìm ra loài ếch sơn Hula (Discoglossus nigriventer) của Israel, biến mất từ 1955; ếch sơn Châu Phi (Callixalus pictus), biến mất năm 1950; và loài cóc mõm khoằm Lưỡng Hà (Rhinella rostrata), xuất hiện lần cuối năm 1914.

Các nhà nghiên cứu sẽ dành từ một tuần đến hai tháng cho mỗi mục tiêu trên. Kết quả nghiên cứu sẽ được tổng hợp trước cuộc họp Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) của Liên hiệp quốc diễn ra vào tháng 10 tại Nhật Bản, nơi các chính phủ bàn về nguyên nhân thất bại của cam kết năm 2002 về giảm mất mát đa dạng sinh học đến năm 2010.