ThienNhien.Net – Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Durham (Anh), sự biến mất với quy mô lớn của các đồng cỏ và sự lan rộng của rừng có thể là nguyên nhân cơ bản dẫn đến suy giảm số lượng loài động vật có vú như voi ma mút, tê giác, sư tử.
Kết luận của nghiên cứu mới này đã thách thức lý thuyết vốn tồn tại lâu nay rằng con người là nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài động vật có vú thông qua hoạt động săn bắn và sức ép ngày càng tăng về môi trường sống.
Kết quả này là một phần của nghiên cứu nhằm giải mã khí hậu và thảm thực vật Bắc bán cầu trong và sau thời kỳ băng hà cuối cùng 21 nghìn năm trước.
Nghiên cứu cho rằng trên phần lớn bề mặt trái đất thời ấy, diện tích đồng cỏ đã giảm đi rất nhiều do sự ấm lên của khí hậu và sự lan rộng của những cánh rừng. Sự thay đổi môi trường sống này làm suy giảm đột ngột khối lượng thức ăn, gây khó khăn cho sự sinh tồn của một số loài động vật có vú.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Durham, gồm cả các nhà khoa học đến từ Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Luân Đôn ; Đại học Lund Thụy Sỹ và Đại học Bristol, đã công bố kết quả nghiên cứu của mình trên nhật báo khoa học Quaternary Science Reviews.