ThienNhien.Net – Con đường quanh co dẫn chúng tôi đến với bản Nhùng – một bản tái định cư xã Năng Khả, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang. Tuy đã trải đá nền nhiều đoạn, nhưng cơn mưa sớm vẫn làm cho những khúc đường đất còn lại hóa sình lầy, hằn lên những vết bánh xe máy. Khu vực tái định cư nằm phía cuối bản. Trong cái tĩnh mịch sâu thẳm, câu chuyện của những cậu thanh niên đang đánh bi-a giữa bản không đủ làm cho không gian nơi đây bớt đi vẻ lẻ loi hiu quạnh…
Đại gia đình trông chờ vào sào ruộng
Là người dân tộc Dao, từ xã Vĩnh Yên, huyện Nà Hang, thực hiện chủ trương di dời để xây dựng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, anh Triệu Minh Phượng theo gia đình chuyển về khu tái định cư bản Nhùng, xã Năng Khả cùng huyện từ 5 năm trước.
Trong buổi trưa dở nắng, vỗ về đứa con nhỏ đang quấy khóc, anh nói như phân bua: “Trời vừa mưa xong, mẹ cháu đi làm đồng từ sáng để tháo nước vào ruộng. Còn mình thì ở nhà trông con, cháu đây là đứa thứ 3, vì vắng mẹ nên cháu hay khóc” . Anh cho biết thêm, hiện vợ chồng anh đang sống cùng bố mẹ đẻ. Anh có 3 người em, tuy đã lập gia đình nhưng vẫn ăn chung cùng bố mẹ anh, vì không có ruộng nương riêng.
Chuyển về khu tái định cư bản Nhùng, bố mẹ anh Phượng được nhận 120 triệu tiền đền bù di dời và được cấp 1 sào ruộng, 4.000m2 nương để bắt đầu cuộc sống mới. “Nhà mình đông anh em, bố mẹ mua cho mỗi người một cái xe máy sau khi lập gia đình, và mua đất làm nhà riêng cho 2 em trai, mỗi suất giá 20 triệu đồng/300m2. Mình cũng muốn mua thêm ruộng để làm, nhưng không còn tiền, vì mua mỗi m2 ruộng giá 25.000 đồng”.
Và với 4-5 gia đình cùng trông chờ vào sào ruộng – phần đất nông nghiệp được giao của bố mẹ khi chuyển cư, nên tháng nào nhà anh cũng phải mua từ 40-50kg gạo ăn. Cũng vì không có sinh kế ổn định trong khi gánh nặng cơm áo đè nặng mỗi ngày, nên vợ chồng Triệu Minh Sơn, sinh 1985, Triệu Văn Giàng, sinh năm 1987 (2 em trai anh Phượng) đều đi kiếm việc làm thuê, chủ yếu ở thị trấn Nà Hang.
Công việc làm thuê của các em mình, anh Phượng không biết nặng nhẹ, dễ khó như thế nào, thu nhập được nhiều hay ít, anh chỉ biết: “Vợ chồng các em còn khổ hơn mình nhiều, ban ngày ít khi thấy chúng nó ở nhà lắm, cứ đi làm thuê như vậy thôi. Như hôm nay, vợ chồng chú Sơn đang đi làm thuê ở bản Nà Mỏ, thị trấn Nà Hang ấy”.
Giáp với bản Nhùng, khu tái định cư bản Nà Chao cũng cơ hơn 50 hộ tái định cư, từ bản Nà Tông xã Vĩnh Yên về sinh sống. Anh Bàn Văn Khé – Trưởng bản bản Nà Chao cho biết: “Chuyển về Nà Chao đã được hơn 5 năm, nhưng cuộc sống bà con tái định cư vẫn còn nhiều khó khăn. Khó khăn nhất vẫn là thiếu nước sinh hoạt, nước cho sản xuất nông nghiệp”.
|
Do những khó khăn trên mà nhiều hộ dân tái đinh cư bản Nà Chao có khi vừa mới dựng được nhà trên nền đất tái định cư thì đã mang theo đồ đạc, vật dụng gia đình chuyển đi nơi khác. Thống kê của Trưởng bản Khé cho biết, đã có 13 hộ thoát ly khu tái định cư, phần nhiều là quay lại quê cũ bản Nà Tông, xã Vĩnh Yên (xã này nay thuộc lòng hồ thủy điện Tuyên Quang) sống trên những ngọn đồi, núi không bị ngập.
Tâm sự của một người hồi cư
Di dời tái định cư ở bản Nà Chao, xã Năng Khả, nhưng chỉ qua một năm, gia đình anh chị Triệu Văn Thanh – Bàn Thị Tâm đã quay lại quê cũ ở bản Nà Tông, xã Vĩnh Yên sinh sống. Khi năm học mới cận kề cũng là lúc nỗi lo con cái ăn học thêm nặng gánh. Song, có lẽ điều bất an nhất đối với anh Thanh – người định cư không hợp pháp ở lòng hồ thủy điện Tuyên Quang là sự thiếu ổn định của cuộc sống khi chưa thể “an cư” để “lạc nghiệp”.
Giữa khu lòng hồ thủy điện Tuyên Quang có hàng chục căn nhà vách sơ sài, nép bên sườn núi cao heo hút. Qua 3 năm trở lại bản cũ Nà Tông sinh sống, cuộc sống gia đình anh Thanh đã bước đầu ổn định. Ngôi nhà nhỏ với chỉ một chiếc giường cho 4 người ngủ, một bếp lửa đun nấu chính, một bếp lò nấu đồ ăn chăn nuôi, và chiếc thùng phuy chứa nước dẫn từ trên núi xuống. Đơn sơ thế thôi, song với gia đình anh, nếu không phải ngay ngáy nỗi lo “an cư” cuộc sống như vậy cũng tạm mãn nguyện.
Chăn nuôi không nhiều, chỉ một vài đàn gà, lợn – đó là cả gia sản lớn đối với người hồi cư (không hợp pháp) như anh. Trái nhà là vườn sắn nhỏ, xanh ngút đầu người. “Nghề” chính của anh trên vùng đất hồi cư này là câu chạch ở hồ thủy điện. Nếu như một số gia đình khác câu cá chủ yếu để dùng cho sinh hoạt hàng ngày, thì với anh, cần câu cá cũng là “cần câu cơm”.
Nói về công việc câu chạch hàng ngày, anh Thanh chia sẻ: “Ngày nhiều mình cũng kiếm được trăm nghìn, ít thì năm ba chục. Cũng có ngày không được con nào. Nhưng dù sao, ở đây còn có cái hồ để câu, chứ ở Nà Chao thì không biết làm gì ra tiền”.
Vui với cuộc sống thực tại nơi hồi cư, anh Thanh nhắc tới cuộc sống nơi tái định cư bản Nà Chao với nhiều nỗi niềm: “Ở bản Nà Chao, cuộc sống khó khăn thiếu thốn lắm, nhất là về nguồn nước. Thiếu nước nên khi tắm chỉ dám dùng 1-2 gáo thôi, nói là tắm chứ thực chất chỉ là tráng qua. Về mùa khô còn không có nước dùng, nước sản xuất nông nghiệp cũng không có. Nhiều hộ phải đi tháo nước vào ban đêm, thậm chí nhiều gia đình giành nguồn nước, gây mất đoàn kết hàng xóm”.
|
Được nhà nước đền bù tài sản và tổ chức di dời về nơi tái định cư mới xã Năng Khả, nhưng không định cư ở đó mà quay về quê cũ sinh sống, gia đình anh Thanh cũng như những hộ dân di ngược về bản Nà Tông hiện tại đã không ít lần bị chính quyền địa phương xuống lập biên bản giải tỏa vì định cư trái phép.
Gần đây nhất, mới ngày 8/7/2010, đoàn kiểm tra của chính quyền địa phương đã lập biên bản vắng mặt đối với gia đình anh, biên bản ghi rõ: “Gia đình ông Triệu Văn Thanh và bà Bàn Thị Tâm có 4 khẩu thuộc đối tượng di dân thôn Nà Tông tái định cư tại thôn Nà Chao, xã Năng Khả, huyện Nà Hang với lý do dựng lán trái phép và sử dụng đất thu hồi công trình lòng hồ thủy điện Tuyên Quang… yêu cầu ông bà tháo dỡ lán và trở về nơi tái định cư trong vòng 10 ngày kể từ khi lập biên bản…”.
Tuy biết định cư trên vùng đất đã bị nhà nước thu hồi là vi phạm pháp luật, nhưng với anh dường như không còn sự lựa chọn nào khác. Vì theo anh, nơi tái định cư cuộc sống gia đình không thể đảm bảo. Anh bộc bạch: Nếu bị đuổi, mình lại đi chỗ khác sống. Chưa biết là ở đâu. Mình cũng muốn sống ổn định, chứ không muốn cứ đi như thế này, nhưng quay về Nà Chao thì khó sống lắm”.
Chiều buông, con thuyền chòng chành đưa chúng tôi cập bến trong cái se lạnh của cơn mưa rừng. Rời Nà Hang, chúng tôi vẫn băn khoăn trước cuộc sống phiêu dạt của không ít người dân tái định cư nơi đây. Với họ, tương lai thật mịt mờ vô định, khi những nhu cầu ăn ở thiết yếu nhất chưa được ổn định.
Thiết nghĩ, nếu chính quyền chưa tạo cho người dân có đủ điều kiện sinh hoạt cơ bản như điện, nước… và điều kiện để họ tạo dựng sinh kế thì một cái biên bản cam kết, hay một lệnh cưỡng chế cũng khó lòng kéo họ về sống ở khu tái định cư.