Kền kền bên bờ tuyệt chủng

ThienNhien.Net – Những dự báo về sự tuyệt chủng của thế giới tự nhiên trong vòng 10 năm qua đã cho rằng, loài kền kền trên toàn cầu sẽ biến mất khỏi các vạt cỏ lớn ở miền Nam châu Á, và sự suy giảm số lượng kền kền còn nhanh hơn nhiều loài.


Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), dân số kền kền châu Á là dưới 60.000 và sau mỗi năm số lượng loài này sẽ giảm đi một nửa. Đặc biệt, quần thể kền kền tại Ấn Độ đã suy giảm tới 95% trong giai đoạn gần đây và 2 hoặc 3 loài kền kền Nam Á đang cận kề với sự tuyệt chủng.

Nguyên nhân chính của sự suy giảm này là do người dân sử dụng loại thuốc chống viêm nhiễm (diclofenac) cho các gia súc để bẫy kền kền. Diclofenac là một chất giảm đau, có tác dụng làm lành vết thương cho các động vật ốm yếu, nhưng đối với kền kền thì đây là một chất rất độc. Nếu kền kền ăn phải xác động vật có chứa diclofenac, chúng sẽ bị ngộ độc và chết.

Tuy diclofenac đang được loại bỏ dần dần ở Nam Á, nhưng tốc độ của quá trình loại bỏ đó không đảm bảo được sự hồi phục số lượng của loài kền kền.

Điều đáng mừng là ở Campuchia, chất diclofenac hoàn toàn không được đưa vào sử dụng, nên theo Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (WCS), đất nước này được kỳ vọng là một trong những nơi cư trú chính của các loài kền kền.

Cho dù vậy, loài chim này cũng đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa như mất nơi cư trú, bị săn bắt và thiếu nguồn thức ăn do nạn săn bắn quá mức các loài động vật có vú lớn, vì những loài vật này khi chết sẽ là loại thức ăn ưa thích của kền kền .

Theo một chuyên gia thuộc Hiệp hội Bảo vệ Chim Hoàng gia Anh (RSPB), đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đối với thế giới tự nhiên, kể từ khi sự suy giảm của các loài chim được biết đến lần đầu tiên.

Trước tình trạng này, các tổ chức bảo tồn bao gồm: Hiệp hội Bảo vệ Chim Hoàng gia, Viện Động vật học, Trung tâm Chim săn mồi Quốc gia (Anh) cùng với Viện Lịch sử Tự nhiên Bombay (Ấn Độ) đã lên các kế hoạch cho hoạt động bảo tồn kền kền, nhằm kiểm soát số lượng loài này trong tự nhiên, thành lập một trung tâm cứu hộ, cũng như tìm ra các biện pháp khôi phục số lượng kền kền.

Mới đây, một tổ chức bảo tồn ở Ấn Độ cũng cho biết, kền kền con đang được nuôi dưỡng thành công tại một trung tâm nuôi nhốt của nước này và có khả năng về với tự nhiên. Điều này mở ra một hy vọng mới cho loài chim vốn được xếp vào hạng cực kỳ nguy cấp này.