ThienNhien.Net – Khoáng sản được coi là ngành đem lại "tiền tươi thóc thật" đối với nhiều địa phương. Song, thứ tài nguyên có thể đào lên mà bán ấy cũng làm nảy sinh nhiều nghịch lý.
Khai khoáng có thể làm nảy sinh tranh chấp tài nguyên
Các mỏ khoáng sản nhìn chung thường phân bố ở vùng sâu, vùng xa. Đây cũng thường là nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số, với điều kiện kinh tế – xã hội hết sức khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng có mỏ còn cao nên sự phụ thuộc vào tài nguyên cũng rất lớn, đặc biệt là các tài nguyên cơ bản như đất canh tác và nước. Chính vì vậy, khi các công ty đến khai thác và chế biến khoáng sản tại các địa phương thường xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng tài nguyên với người dân.
Tranh chấp về sử dụng đất: Trên thực tế, nhiều khu vực có khoáng sản phân bố nằm trên phần đất nông nghiệp hay đất ở của người dân địa phương. Khi các công ty khai thác mỏ lấy đi hoặc làm ảnh hưởng đến phần đất sản xuất hay đất ở của người dân mà không có sự đền bù thỏa đáng và không có kế hoạch đảm bảo sinh kế cho họ thì thực trạng đói nghèo tại địa phương sẽ trầm trọng thêm, dễ nảy sinh xung đột.
Thực tế xảy ra ở xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua là một ví dụ. Hoạt động khai thác quặng sắt của Công ty TNHH Đức Thái ở đây làm đất đá tràn xuống ruộng lúa và hoa màu của người dân địa phương khiến bà con hết sức phẫn nộ.
Tranh chấp về sử dụng nguồn nước: Việc khai thác và chế biến khoáng sản cũng đòi hỏi sử dụng nhiều nước, nhất là các hoạt động khai thác, chế biến thiếc, crôm, vàng, titan, sắt, cát sỏi lòng sông, …
Rất nhiều công ty khai khoáng hiện nay có thể sử dụng nguồn nước mặt và nước ngầm một cách dễ dàng, thoải mái mà không phải trả phí. Nước thải của họ lại đổ ra chính những sông, suối tự nhiên này mà không hề được xử lý. Việc làm đó khiến cả trữ lượng lẫn chất lượng nước mặt và nước ngầm giảm sút nhanh chóng, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, sinh hoạt và sức khỏe của người dân địa phương.
Doanh nghiệp khoáng sản – lợi nhuận cao, trách nhiệm thấp
Đây là một nghịch lý nổi cộm tại các khu vực có khai thác khoáng sản đặc biệt là các mỏ kim loại quý như Au, Ti, Al, Fe, Cu… và các mỏ than. Tỉnh Điện Biên là một đơn cử, nơi có ít nhất 34 doanh nghiệp khai thác khoáng sản với khoản lợi nhuận thu về hàng năm không dưới hàng trăm tỷ đồng. Mặc dù vậy, khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp này còn rất khiêm tốn, chưa nói tới nghĩa vụ thực hiện các trách nhiệm khác đối với xã hội.
Điện Biên là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản, trong đó có nhiều loại khoáng sản có giá trị với trữ lượng lớn. Tuy nhiên, số liệu thống kê năm 2008 của tỉnh cho biết ngành công nghiệp khai khoáng chỉ đóng góp 14.562 triệu đồng, tức khoảng 0,4% GDP, trong khi tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn rất cao (30,54%).
Các tỉnh Kon Tum và Đăk Nông của Tây Nguyên cũng trong tình trạng tương tự: Con số thống kê công bố của hai tỉnh này cho biết năm 2008 đóng góp của ngành công nghiệp khai thác mỏ vào GDP cũng rất ít, 0,36% đối với Kon Tum và 0,24% đối với Đắk Nông.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều ngịch lý này là các khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường hiện hành còn chưa phù hợp với giá trị cũng như giá cả của tài nguyên.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các biện pháp quản lý các hoạt động khoáng sản còn quá lỏng lẻo và chồng chéo, sự phối hợp giữa các ban ngành chưa cao nên hiện tượng khai “man”, trốn lậu thuế và xuất khẩu khoáng sản trái phép vẫn diễn ra, gây thất thu một lượng lớn tài sản của nhà nước và địa phương.
Khai khoáng khoét sâu xung đột xã hội
Tại các khu vực mỏ, ngoài sự tham gia của lao động địa phương, có nhiều lao động từ nơi khác tới. Do lối sống và phong tục tập quán khác nhau mà ngay từ đầu, giữa người bản xứ và người lao động bên ngoài đã có một khoảng cách nhất định.
Nhiều trường hợp quan sát thực tế cho thấy sự nở rộ của hoạt động khai thoáng và việc nhập cư của lao động mới đã kéo theo các tệ nạn xã hội vào địa phương như rượu chè, cờ bạc, ma túy, mại dâm, trộm cướp… khiến cho mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa người địa phương và công nhân từ nơi khác.
Thực trạng này cũng đã được báo chí đề cập về các mỏ vàng ở Quảng Nam. Nhiều vụ xô xát đánh nhau xảy ra giữa thanh niên địa phương với người lao động mỏ từ nơi khác, khiến tình hình an ninh tại địa bàn trở nên rất phức tạp.
Câu chuyện về những thanh niên thôn Đá Bạc, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình sau khi đào vàng tại Quảng Nam trở về quê quán đã vô tình du nhập căn bệnh HIV, gieo rắc cái chết cho chính những người thân của họ cũng là một bài học thực tế hết sức đau xót.
Xung đột giữa các chủ mỏ cũng là một thực tế, thường xuất phát từ việc giành giật quyền khai thác. Những vụ thanh trừng, sát phạt nổi đình nổi đám ở các mỏ vàng Sạc Ly (Kon Tum), Bồng Miêu (Quảng Nam), mỏ đá đỏ Quỳ Châu (Nghệ An) và thậm chí cả mỏ than Quảng Ninh chỉ là một số vụ tiêu biểu.
Tăng cường sự tham gia của người dân – hóa giải nghịch lý
Xét trong toàn bộ bức tranh khai thác khoáng sản, người dân tại chỗ chính là đối tượng cần được ưu tiên quan tâm hơn cả. Qua các thế hệ, họ trực tiếp gìn giữ rừng và nguồn tài nguyên khoáng sản trong lòng đất, nhưng người dân bản địa thường ít được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên dưới chân mình, thậm chí bị biến thành những nạn nhân đáng thương.
Có một thực tế là trong nhiều dự án khai thác và chế biến khoáng sản qui mô vừa và nhỏ, cộng đồng địa phương tại các khu vực khai thác mỏ có rất ít cơ hội được đóng góp tiếng nói thể hiện quan điểm và bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo kết quả khảo sát của chúng tôi tại khu vực mỏ thuộc xã Tân Pheo – Đà Bắc – Hòa Bình thì đa số các hộ dân không được cung cấp các thông tin chính xác về dự án khai thác cũng như các tác động của dự án này. Họ không được tham vấn ý kiến khi công ty chế biến khoáng sản mở rộng diện tích sản xuất và lắp đặt các dây chuyền mới. Hơn 90% số người được hỏi tại xóm Phổn cho biết họ không mong muốn có sự tồn tại của các doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn.
Sự thiếu minh bạch, thiếu đầy đủ khi công bố các hoạt động khai khoáng của doanh nghiệp cũng như chính quyến địa phương cũng góp phấn tước đi cơ hội để người dân góp ý và giám sát các dự án khai khoáng.
Để ngăn ngừa và khắc phục những xung đột và hạn chế những nghịch lý trong lĩnh vực khai khoáng, có rất nhiều việc phải được xúc tiến đồng thời. Trong đó, đặc biệt quan trọng là việc lấy ý kiến nhân dân trước khi thực hiện các dự án chế biến và khai thác khoáng sản tại các địa phương, kể cả các dự án khai thác khoáng sản quy mô nhỏ do tỉnh cấp giấy phép. Khi người dân hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình và đồng tình để dự án triển khai thì chính nghịch lý lớn nhất đã được hóa giải.