ThienNhien.Net – Mặc dù là danh lam thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của cả nước, nhưng theo Báo cáo về hiện trạng ô nhiễm các vùng ven biển, vịnh Hạ Long cũng bị đánh giá là nơi có mức độ ô nhiễm dầu nặng "không ai bằng", đặc biệt là vùng nước cảng Cái Lân. Đáng chú ý là tình trạng ô nhiễm dầu có xu hướng phức tạp hơn do các nguồn phát thải trên bờ cũng như trên biển không được kiểm soát, số lượng tàu thuyền gắn máy nhỏ dùng các động cơ cũ, lạc hậu tăng nhanh, dẫn đến khả năng thải dầu vào môi trường biển nhiều hơn.
Theo bản báo cáo này, tại vùng nước cảng Cái Lân có thời điểm hàm lượng dầu trong nước biển đạt tới 1,75mg/l, cao gấp 6 lần TCVN và gấp hàng chục lần tiêu chuẩn ASEAN, có đến 1/3 diện tích mặt vịnh thường xuyên có hàm lượng dầu từ 1 – 1,73 mg/l. Hàm lượng dầu trong trầm tích ven bờ hai bên Cửa Lục đạt mức cao nhất 752,85mg/kg.
Ngay cả bằng mắt thường, có thể nhận thấy cảng tàu Du Lịch Bãi Cháy, âu tàu Tuần Châu, các khu neo đậu tàu du lịch ở các điểm tham quan du lịch trên Vịnh, khu neo đậu tàu Vựng Đâng, Lán Bè, Bến Đoan, cảng xăng dầu B12, cảng Cái Lân, khu công nghiệp đóng tàu Giếng Đáy … đều thường xuyên có váng dầu loang rộng trên mặt biển.
Việc ô nhiễm do dầu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với hệ sinh thái biển, chỉ với hàm lượng dầu 0,1mg/l trong nước biển cũng có thể làm chết các phù du là thức ăn của cá, tôm và làm thối, hỏng trứng nhiều loài thủy sinh. Sự tạo màng trên bề mặt nước, lượng ô xy hoà tan giảm cũng sẽ hủy diệt các loài thủy sinh. Dầu tích lũy trong lớp trầm tích ven bờ và đáy biển (là một hợp phần quan trọng của môi trường biển) sẽ làm suy giảm và biến mất các loài sinh vật đáy.
Chớ coi thường tàu nhỏ
Có hai nguồn gây ô nhiễm vịnh, gồm nguồn phát thải thường xuyên và không thường xuyên.
Với nguồn phát thải thường xuyên, cần lưu ý tới các phượng tiện vận tải nhỏ hoạt động trên vịnh. Có kết quả nghiên cứu cho biết tại các khu vịnh kín, các tàu nhỏ chạy bằng xăng-dầu thải ra lượng dầu chiếm tới 70% tổng lượng dầu thải vào biển của cả vùng vịnh Hạ Long. 100% tàu có công suất dưới 220KW lưu thông trên vịnh hiện nay đều xả trực tiếp nước thải lẫn dầu chưa qua xử lý xuống vịnh.
Với trên 1000 phương tiện các loại thường neo đậu và hoạt động trên vịnh, cùng với hàng vạn lượt phương tiện ra vào vịnh hàng năm, thì lượng dầu thải ra hàng năm là rất lớn.
Bên cạnh đó, nguồn phát thải không được kiểm soát của các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ dọc theo bờ vịnh cũng làm gia tăng đáng kể lượng dầu thải. Ngoại trừ số rất ít đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải lẫn dầu, còn lại hầu hết các cơ sở sản xuất và dịch vụ có xả thải lẫn dầu đều không có hệ thống xử lý.
Theo Báo cáo quốc gia về ô nhiễm biển từ đất liền Việt
Với các nguồn phát thải không thường xuyên như các vụ tràn dầu do tai nạn, việc xúc rửa tàu dầu, rò rỉ do cấp dầu trên biển và các tai nạn hàng hải khác, con số thống kê cho biết, chiếm tỉ lệ khoảng từ 2 – 4% tổng lượng dầu thải ra vịnh.
Giải pháp nào khắc phục?
Về cơ sở pháp lý, có thể nói rằng từ khi Việt Nam có luật Bảo vệ môi trường (thông qua năm 1993 và sửa đổi năm 2005) và tham gia Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu thuyền MARPOL 73/78, chúng ta đã xây dựng hệ thống các văn bản hướng dẫn dưới luật, trong đó có các quy định về bảo vệ môi trường biển và chống ô nhiễm dầu trên biển.
Tuy nhiên, do các quy định còn chung chung, thiếu sát sao nên tính thực thi không cao, vẫn không kiểm soát được các nguồn phát thải gây ô nhiễm dầu. Điển hình là vấn đề cấp phép cho phương tiện vận tải thủy có tổng công suất động lực diezen nhỏ hơn 220KW. Những phương tiện này chiếm đại đa số trên vịnh hiện nay, song theo tiêu chuẩn ngành (Quy phạm ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy nội địa số 22TCN 246-06 do Bộ GTVT ban hành ngày 28/12/2006) thì họ không buộc phải lắp thiết bị xử lý nước thải lẫn dầu, mà chỉ cần lắp két chứa dầu thải và két chứa nước lẫn dầu (quy định này dựa trên công ước quốc tế MARPOL 73/78 ).
Mặt khác, trong công ước MARPOL73/78 còn quy định tại các cảng và bến neo đậu tàu thuyền phải có các cơ sở tiếp nhận, xử lý dầu thải và nước lẫn dầu của các tàu này được định kỳ bơm lên mà không được xả trực tiếp xuống sông – biển. Trên thực tế, tại tất cả các bến, cảng sông – biển và các khu neo đậu tàu thuyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam chưa nơi nào có cơ sở tiếp nhận và xử lý chất thải này, vì vậy, tất cả các tàu loại này chỉ trang bị lấy lệ để được cấp phép hoạt động, sau đó đều xả trực tiếp các chất thải lẫn dầu xuống sông, biển.
Thiết nghĩ, tỉnh Quảng Ninh cần phải đề ra các tiêu chuẩn bắt buộc về chống ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm dầu nói riêng với các cơ sở sản xuất ven bờ và tàu thuyền trên vịnh. Phải đảm bảo rằng họ có thiết bị và xử lý nước thải ra môi trường Vịnh Hạ Long đạt tiêu chuẩn nước thải loại công nghiệp loại A theo TCVN 5945:2005. Hiện nay, trên thị trường đã có loại thiết bị VTOWS do Việt
Bên cạnh đó, cần lưu ý các giải pháp về cơ chế chính sách, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng, du khách và các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tại địa phương.