Canh tác trên đất dốc chống sa mạc hóa

ThienNhien.Net – Nhằm đưa ra giải pháp góp phần làm giảm nguy cơ sa mạc hóa, góp phần chống biến đổi khí hậu, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ phát triển lâm nghiệp (FDCC) tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng mô hình “Canh tác trên đất dốc – chống sa mạc hóa”.

Thanh Hóa có 87.000ha đất nông nghiệp là đất dốc. Diện tích đất lâm nghiệp là 629.100 ha, chiếm 2/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh, tập trung chủ yếu trên 11 huyện miền núi, đầu nguồn các sông suối lớn như: Sông Mã, sông Chu, sông Mực, sông Bưởi… là nơi có độ dốc lớn, lượng mưa hàng năm bình quân > 2000 mm tập trung vào tháng 6-9. Do địa hình dốc như vậy nên khu vực này thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét làm cho đất bị xói mòn, rửa trôi, độ phì nhiêu của đất suy giảm, năng suất cây trồng thấp, gây thiệt hại to lớn về kinh tế, đời sống của người dân.

Trong khi đó, tập quán canh tác đốt rừng làm nương rẫy của đồng bào trung du miền núi, việc lạm dụng khai thác tài nguyên là nguy cơ dẫn đến sa mạc hóa đất đai.

Tin từ báo Nông Nghiệp Việt Nam ngày 04/08/2010 cho biết, trong bối cảnh ấy, mô hình “Canh tác trên đất dốc – chống sa mạc hóa” đã được FDCC tỉnh Thanh Hóa xây dựng, bước đầu thực thí điểm trên 10 hộ gia đình tại Phố Cát, Lâm trường Thạch Thành (nay là BQL Rừng phòng hộ Thạch Thành) và đang được nhân rộng ra 11 huyện miền núi trong tỉnh.

Các giải pháp từ mô hình này bao gồm: Tập huấn nâng cao năng lực, hiểu biết cho người dân về quy trình, kỹ thuật, giống mới, năng suất, chịu hạn… về canh tác trên đất dốc – chống sa mạc hóa.

Hiện nay, sau khi mô hình được triển khai, nhiều hộ gia đình đã tích cực tham gia, nạn đốt phá rừng làm nương rẫy đã được hạn chế, góp phần bảo vệ đất, phòng ngừa nguy cơ thiên tai do biến đổi khí hậu.