ThienNhien.Net – Khi biến đổi khí hậu đã cận kề và «hứa hẹn» những tác động sâu sắc trong tương lai, hơn bao giờ hết con người càng hiểu rõ hơn về ý nghĩa của các hệ sinh thái và những dịch vụ mà chúng mang lại. Nhận thức ấy đang được loài người cụ thể hóa thành những giải pháp, những nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái. Giải pháp dựa vào thị trường chính là một giải pháp như vậy và là tiền đề cho sự ra đời của Thị trường dịch vụ hệ sinh thái.
Thị trường dịch vụ hệ sinh thái
Hệ sinh thái của chúng ta rất đa dạng, bao gồm hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái nguồn nước, hệ sinh thái biển, đất ngập nước… Các hệ sinh thái này cung cấp cho loài người những dịch vụ rất quan trọng như bảo vệ nguồn nước, bảo tồn đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu và hấp thụ carbon. Tuy nhiên, những giá trị quý báu của các loại hình dịch vụ này không phải bao giờ cũng được nhận thức và trân trọng.
Thị trường là một trong những công cụ hữu hiệu giúp chúng ta nhận biết được giá trị của dịch vụ mà các hệ sinh thái cung cấp. Thị trường giúp kết nối giữa người mua, người bán và người môi giới. Thị trường cũng là công cụ hữu hiệu về mặt tài chính, từ đó những lợi ích về kinh tế được sản sinh từ các loại hình dịch vụ hệ sinh thái có thể góp phần quan trọng vào việc phát triển sinh kế cho các cộng đồng địa phương – những người trực tiếp cung cấp dịch vụ. Không những vậy, thị trường hệ sinh thái còn là nguồn cung cấp tín dụng quan trọng cho các thành phần kinh tế khác nhau có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng dịch vụ, cho chính phủ và cho công cuộc bảo vệ môi trường toàn cầu.
Gần đây chúng ta chứng kiến sự phát triển không ngừng của thị trường dịch vụ hệ sinh thái, trong đó có thể kể đến chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên dựa vào thị trường mang tên Chi trả dịch vụ môi trường hệ sinh thái (PES).
Nỗ lực giảm khí thải từ nạn phá rừng và suy thoái rừng (REDD) thông qua việc hình thành thị trường carbon những năm gần đây cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các tổ chức tài trợ, các nước phát triển và các nước đang phát triển, nơi đã và đang diễn ra nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng.
Việc vận hành của PES và REDD theo cơ chế thị trường, tạo ra giá trị có thể đo đếm được bằng tiền cho hệ sinh thái sẽ đem lại những cơ hội mới cho bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Thông qua thị trường, người cung cấp dịch vụ hệ sinh thái (ví dụ người dân bảo vệ rừng đầu nguồn góp phần điều hòa nguồn nước cho nhà máy cung cấp nước ở hạ lưu) sẽ được người mua dịch vụ (nhà máy cấp nước) chi trả cho công tác duy trì và làm giàu dịch vụ mà mình cung cấp (dịch vụ điều hòa nguồn nước).
Thị trường tạo ra những cơ hội mới về tài chính để bảo đảm và nâng cao cuộc sống cho những người dân nghèo sống dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và cũng chính là những người bảo vệ nguồn tài nguyên này.
Thị trường dịch vụ hệ sinh thái tại Việt Nam
Việc sử dụng công cụ thị trường để bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và góp phần cải thiện sinh kế không phải là hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam. Bắt đầu từ đầu những năm 1990, Chính phủ Việt Nam đã bỏ ra hàng triệu đô la để chi trả cho những người dân bảo vệ nguồn rừng đầu nguồn. Các chương trình này kéo dài cho tới tận ngày nay, giúp bảo vệ hàng triệu ha rừng quý hiếm khỏi bị tàn phá.
Gần đây, Chính phủ cũng đang rất nỗ lực để phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng và thực hiện chương trình Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng, nhằm góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực do phát thải khí CO2 gây ra. Và Việt Nam đã được chọn là một trong 9 quốc gia được chương trình REDD của Liên Hợp Quốc trợ giúp để xây dựng chương trình Quốc gia về REDD.
Năm 2008, Chính phủ ban hành Chính sách thí điểm về Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES). Sự ra đời của chính sách này đánh dấu một bước cực kỳ quan trọng, không đơn thuần chỉ về chính sách, mà là sự thay đổi căn bản về mặt nhận thức đối với giá trị của hệ sinh thái. Nói cách khác, chính sách giúp tạo ra thị trường, thông qua đó dịch vụ hệ sinh thái được nhận ra và từ đó tạo ra giá trị thị trường của hệ sinh thái.
Sự vận hành của thị trường được đánh giá thông qua việc thực hiện thí điểm Chính sách tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La. Bước đầu, việc thực hiện chính sách đã đạt được một số kết quả rất khích lệ. Lần đầu tiên tại Việt Nam gánh nặng về ngân sách cho việc bảo vệ rừng được chuyển từ Chính phủ sang các công ty thủy điện, các công ty cấp nước, các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch sinh thái. Lần đầu tiên những cộng đồng dân tộc nghèo – những người trước kia được coi là một trong những nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng – được thừa nhận là nhân tố quan trọng trong việc cung cấp và duy trì dịch vụ và vì vậy được hưởng thành quả về kinh tế thông qua việc nhận chi trả từ các công ty sử dụng dịch vụ. Lần đầu tiên Chính phủ có thay đổi về quan điểm rằng tiền thu được từ dịch vụ sinh thái thông qua thị trường không phải là ngân sách mà là tiền của người cung cấp dịch vụ trong số đó có rất nhiều những người dân nghèo hàng ngày bỏ công sức ra bảo vệ rừng. Lần đầu tiên những người dân nghèo này nhận thức rằng bảo vệ rừng thay vì khai thác gỗ như trước kia có thể đảm bảo được sinh kế cho mình.
Sắp tới, việc thử nghiệm chính sách sẽ chuyển sang giai đoạn mới, khi Chính phủ quyết định ban hành một nghị định giúp cho việc nhân rộng chính sách ra các địa phương khác. Điều này sẽ tạo ra cơ hội mới cho việc bảo vệ nguồn tài nguyên rừng còn lại và góp phần xóa đói giảm nghèo khu vực miền núi của Việt Nam.
Các thị trường tiềm năng trong tương lai
Cho đến nay tại nước ta các nỗ lực phát triển thị trường hệ sinh thái mới chỉ tập trung vào việc đo đếm giá trị và phát triển thị trường cho các dịch vụ do rừng cung cấp. Tuy nhiên, bên cạnh hệ sinh thái này, một loạt các hệ sinh thái khác cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng, như hệ sinh thái biển, hệ sinh thái đất ngập nước, rặng san hô, dải ven biển, đa dạng sinh học…
Tính mới mẻ của các loại hình dịch vụ mà các hệ sinh thái này cung cấp cũng đồng nghĩa với các khó khăn trong việc đo đếm giá trị dịch vụ và từ đó hạn chế các nỗ lực để hình thành thị trường cho các loại hình dịch vụ này tại nước ta.
Các mô hình như Buôn bán chất lượng nước, Thị trường đa dạng sinh học, Ngân hàng bảo tồn cho đất ngập nước v.v… hiện được thực hiện ở các nước phát triển như Úc, Mỹ, Hà Lan… chỉ ra tiềm năng cho việc phát triển các thị trường này tại Việt Nam trong tương lai.
Ngoài trên 10 triệu ha rừng trên núi, chúng ta còn có trên 10 triệu ha đất ngập nước; Việt Nam cũng được biết đến là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao trên thế giới. Việc phát triển các thị trường dịch vụ hệ sinh thái khác nhau không những góp phần đặc biệt quan trọng cho việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước ta mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho các cộng đồng dân cư sống dựa vào các nguồn tài nguyên này.
Thị trường hệ sinh thái và tính kết nối giữa các bên liên quan
Thị trường của các dịch vụ hệ sinh thái không có giới hạn về hành chính. Đây là một thị trường rộng lớn nhưng cũng giúp kết nối gần gũi giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ, giữa người dân với các công ty, giữa các quốc gia với nhau.
Tại Việt Nam, thị trường kết nối những công ty thủy điện, nhà máy cấp nước tại Lâm Đồng, Sơn La, Hòa Bình, v.v. với những người dân tộc thiểu số như Ê Đê, Thái, Dao.
Thông qua các thị trường dịch vụ hệ sinh thái, các chuyên gia Quốc tế đang làm việc với những người dân ở các vùng nghèo tỉnh Ache của Indonesia để phát triển các mô hình REDD mà qua đó các tổ chức, cá nhân phát thải CO2 lớn – có thể ở Úc, Mỹ hoặc nơi nào đó – sẽ phải trả tiền cho những người dân Ache để giữ rừng. Chính phủ các nước như Na Uy, Úc…. cũng đang hỗ trợ các cộng đồng nghèo ở Châu Phi để bảo vệ rừng.
Nói cách khác, thị trường dịch vụ hệ sinh thái giúp kết nối các nước lại với nhau, thông qua những giao dịch về các loại hình dịch vụ. Xây dựng và vận hành hiệu quả các thị trường này góp phần quan trọng để giúp chúng ta đạt được mục đích phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.