ThienNhien.Net – Hàng chục bao tải thuốc nằm lăn lóc giữa sân nhà cáu bẩn; trên triền đê, bờ ao đầy rác thải là cảnh tượng khi đặt chân đến làng Thiết Trụ (xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên) – ngôi làng dược liệu nổi tiếng miền Bắc. Cứ mỗi năm, hàng vạn tấn dược liệu từ đây được xuất đi khắp cả nước và xuất sang nước ngoài. Kinh tế được cải thiện rõ rệt, nhưng cái giá phải trả chính là sức khỏe người dân và môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm.
Đến Thiết Trụ, vừa đặt chân tới đầu làng người ta đã thấy ngay một mùi hăng hăng sộc thẳng vào mũi. Lần đầu không quen, tiếp xúc một khoảng thời gian ngắn có thể thấy chóng mặt, cảm giác nặng đầu, nôn nao. Đó chính là triệu chứng do các vị thuốc có chứa lưu huỳnh hay được gọi là diêm sinh gây ra. Đấy là chưa kể việc lượng lưu huỳnh rửa trôi xuống ao hồ, ngấm xuống nước ngầm theo năm tháng cũng không thể đong đếm nổi.
Theo báo Công An Nhân Dân ngày 30/07/2010, trước tình hình ô nhiễm của làng, Trưởng thôn Thiết Trụ – ông Nguyễn Văn Kiên – cho biết, họ cũng lo ngại việc ảnh hưởng đến sự́c khỏe, song cũng chưa có giải pháp nào khắc phục.
Hiện nay việc rửa các loại dược liệu sau công đoạn hấp diêm sinh đang gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường, nhất là thời vào những tháng cao điểm…
Được biết các công đoạn sơ chế dược liệu tại Thiết Trụ rất thiếu vệ sinh. Hầu hết mọi công đoạn đều được thực hiện ngay dưới đất, đôi khi lẫn cả cát và rác rưởi.
Theo ông Phạm Duy Hiển, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, thôn Thiết Trụ có khoảng 900 hộ dân thì gần như 100% số hộ đều tham gia trồng, sơ chế, chế biến dược liệu. Trong đó, có khoảng 80-100 hộ tham gia thu gom, chế biến rồi xuất đi các nơi.
Tuy việc chế biến, sơ chế dược liệu tại đây gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân như vậy nhưng xã cũng chưa có biện pháp nào để cải thiện tình hình.