Đi qua những cánh rừng núi đá vôi Đông Bắc (Kỳ 2)

ThienNhien.Net – Rời những cánh rừng tái sinh ở Cao Bằng, chúng tôi xuôi về Bắc Kạn, đến với Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc, nơi có rất nhiều thân nghiến cổ thụ – là sinh cảnh đặc hữu của vùng núi đá vôi. Dân bản Tưn thuộc vùng đệm Khu Bảo tồn (KBT) đón chúng tôi bằng cái nhìn dè dặt. Nhiều nhóm người đi ô tô đắt tiền đến bản này chỉ để tìm thuê dân bản làm lâm tặc, cõng và kéo nghiến ra khỏi rừng già.

Khắc khoải rừng xanh

“Rừng tối om” và những cây nghiến đang hấp hối

Trong lúc chờ mấy người đàn ông bản Tưn chuẩn bị tay nải, đưa đường cho chúng tôi vào vùng lõi KBT Nam Xuân Lạc chứng kiến cảnh “móc ruột rừng”, tôi nhớ lại lời nói đầy tự tin như người ta ném “con chốt hạ” xuống chiếu bài tá lả của ông Đàm Văn Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Bắc Kạn: “Bắc Kạn không mất rừng! Vào rừng vẫn thấy tối om!”

Hết một buổi leo dốc và đu mình trên các mỏm đá vôi sắc nhọn đầy những cây lá han, chạm vào ngứa đến rợn người, trước mặt tôi bày ra cảnh tượng hoang tàn ngay trong vùng lõi KBT Nam Xuân Lạc. Ngổn ngang dưới chân tôi là những gốc nghiến có tuổi đời hàng trăm năm bị đốn ngã.

 
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt KBT Nam Xuân Lạc phơi ra dưới nắng chói chang. (Ảnh: Dương Thanh Tùng)

Cây nghiến vài người ôm không xuể, cao vút, khi ngã xuống kéo theo cả vạt rừng đổ rạp. Gốc nghiến chỏng chơ mới, cũ chen nhau, đỏ sậm như màu máu. Nghiến bị chặt, bị xẻ thành phách, thành thớt ngay tại chỗ. Cả khoảng núi đá vôi rộng hàng chục ha không còn tàn cây che bóng, cứ phơi ra dưới nắng tháng 7 chói chang khiến tôi ám ảnh mãi lời ông Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp: “Vào rừng vẫn tối om!”.

Không hiểu khu rừng “tối om” ấy nằm ở đâu nếu không phải ở chính nơi giàu gỗ nghiến và phong phú giống loài đặc hữu cần phải bảo vệ đến mức vào tháng 3/2004, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phải ra quyết định thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc!?

Ngoài 7.058 ha vùng đệm; diện tích vùng bảo vệ nghiêm ngặt KBT Nam Xuân Lạc lên đến 1.646 ha. Song, trớ trêu thay, chính tại nơi bảo vệ nghiêm ngặt nhất của KBT này, loài nghiến đặc hữu trăm năm, ngàn năm tuổi đang bị chặt hạ không thương tiếc.

Trụ sở UBND xã nằm dưới chân núi… Nghiến bị chặt, bị xẻ, người cõng, trâu kéo ra khỏi rừng, tập kết trong địa bàn Xuân Lạc mà bảo rằng cán bộ xã không hay biết thì quả là chuyện khó tin! Phải chăng lời giải thích hợp lẽ là do trụ sở Ban quản lý KBT ở cách xa đó những vài chục cây số? Đi tìm câu trả lời, tới đây chúng tôi chỉ gặp ổ khóa hờ hững giữa 2 cánh cổng gỗ, cao gần chạm mái nhà…

Rừng ngã xuống dưới lưỡi cưa lốc và những lâm tặc bất đắc dĩ

Không chỉ bà lão Lầu Thị Ứng ở Lũng Tủng (Cao Bằng) ngạc nhiên “ngủ một đêm sáng ra đã thấy cây nghiến trăm tuổi không còn”; ngay cả những người có trách nhiệm với rừng ở Bắc Kạn như ông Đàm Văn Chiến cũng phải thừa nhận sức tàn phá rừng nhanh chóng và một trong những nguyên nhân được ông gọi tên là… cái cưa lốc.

Cưa lốc hoành hành dữ dội đến mức chính quyền các xã phải ghê sợ, đề nghị lên trên cấm toàn bộ cưa lốc, nhưng bản thân ông Chiến lại cho rằng: “Cái cưa lốc không có tội. Nó là thành tựu công nghiệp hóa của nhân loại, không nên cấm, bỏ. Cưa lốc hoành hành phá rừng chẳng qua là do quản lý của mình chưa theo kịp!”.

 
Đưa được phách gỗ như thế này ra khỏi rừng, người dân vùng đệm KBT được trả công đến 200.000 đồng (Ảnh: ThienNhien.Net)

3 khu vực Lũng Chảy, Bản Cậu, Xuân Lạc thuộc vùng đệm KBT đều có đội tuần rừng và có người dân tham gia “đội quân lâm tặc”. Những người được thuê làm lâm tặc bắt đầu xuyên rừng từ khoảng 4 giờ sáng và hoàn tất việc đưa gỗ đến vị trí tập kết lúc 8 giờ. Cứ đưa được 1 phách gỗ nghiến dài 1,8 – 2m, rộng 18 – 20 cm, dày 7 – 10 cm ra cửa rừng, họ được trả công 150.000 – 200.000 đồng.

Có tiền từ công sức lao động song người dân cũng chẳng vui vẻ gì vì họ không muốn bị gọi là lâm tặc. Dân xót xa lắm, với cảnh rừng nghiến lâu năm bị chặt phá tan hoang như thế này, nhưng nếu tỏ thái độ chống đối, họ sẽ không còn đất sống ở chính nơi chôn rau cắt rốn.

Thớt gỗ nghiến vừa người ôm đưa sang bên kia biên giới có giá 800.000 đồng. Ông Đặng Văn Sơn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn nắm chắc giá gỗ nghiến và cũng nắm rất chắc một trong nhiều nguyên nhân làm cho Bắc Kạn thất thoát gỗ quý. Theo ông Sơn, lực lượng Kiểm lâm đang rất “mỏng” và tương lai nếu có “dày” hơn thì cũng “khó” quản lý được rừng vì giao thông và công nghệ thông tin phát triển quá nhanh.

Rừng xanh trên núi đá vôi Đông Bắc đang khắc khoải. Loài nghiến trăm năm, ngàn năm tuổi đang thoi thóp. Người dân vùng núi đá vôi không muốn làm lâm tặc… Để mặc thế lực xấu ung dung thò tay vào tận vùng bảo vệ nghiêm ngặt nhất của KBT chặt hạ loài gỗ quý hiếm chỉ vì quy về một chữ “khó” thì đúng là… khó thật! “Khó” ngay cả khi Bắc Kạn xin được “cơ chế đặc thù” để quản lý rừng như lời ông Phó giám đốc Sở NN&PTNT nói trong buổi làm việc với chúng tôi. 

Đi qua những cánh rừng núi đá vôi Đông Bắc (Kỳ I)
Tan tác Khu Bảo tồn Nam Xuân Lạc