ThienNhien.Net – Sự suy giảm, dù chỉ rất nhỏ tỷ lệ che phủ rừng mưa nhiệt đới Amazon của Brazil cũng có thể làm gia tăng gần 50% số ca mắc bệnh sốt rét tại quốc gia này.
Theo một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Emerging Infectious Diseases, những khoảng không và những hố nước nhỏ – còn sót lại sau khi rừng bị tàn phá sẽ nhận được ánh sáng nhiều hơn, cung cấp một môi trường lý tưởng để loài muỗi Anopheles darlingi – loài mang ký sinh trùng sốt rét tại tại khu vực Amazon trú ngụ và đẻ trứng.
Từ năm 1996 đến 2006, nhóm tác giả thuộc Đại học Wisconsin – Madison (Hoa Kỳ) và Tập đoàn năng lượng Santo Antonio Energia (Brazil) đã nghiên cứu tỷ lệ che phủ rừng ở 54 khu vực thuộc Brazil có đường biên giới giáp với Peru thông qua các dữ liệu vệ tinh có độ phân giải cao. Họ cũng kiểm tra dữ liệu y tế thu được tại các khu vực tương tự trong năm 2006 và kết luận rằng, cứ thay đổi 4% diện tích rừng thì phạm vi tác động của căn bệnh sốt rét sẽ tăng lên 48%.
Với những khu vực rừng ít bị tàn phá thì nguy cơ mắc bệnh sốt rét thấp hơn. Điều này cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa thực tiễn bảo tồn và sức khỏe con người.
Bà Sarah Olson, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Wisconsin – Madison khẳng định: “Sự gia tăng dù nhỏ của nạn phá rừng cũng làm tăng số lượng muỗi, và kéo theo nhiều nguy cơ mắc bệnh sốt rét ở người. Chính sách phát triển và quản lý đất đai ở các địa phương, do đó cần cân nhắc kỹ giữa những rủi ro lâu dài về sức khỏe và lợi ích kinh tế từ khai thác gỗ.”
Nhà sinh thái học Kevin Lafferty (Đại học California Santa Barbara) cũng từng nghiên cứu về những nghi vấn xung quanh mối liên hệ giữa mầm bệnh sốt rét và sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Ông cho rằng, chắc chắn rằng việc phá rừng sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của muỗi. Việc nhiều cư dân có xu hướng di cư vào những khu vực rừng mới bị phá sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng.
Liên quan đến căn bệnh này, một nghiên cứu khác được đăng tải trên Tạp chí Scidev mới đây lại phản ánh tình trạng gia tăng ngày càng nhiều số ca bị bệnh sốt rét. Theo đó, nguyên nhân không chỉ dừng lại ở việc suy giảm diện tích rừng hay do thời tiết bất thường, mà còn có sự “góp phần” không nhỏ của tình trạng di dân. Việc hạn chế bệnh sốt rét ở từng nước riêng lẻ sẽ không thể thực hiện được nếu hàng ngày vẫn có dòng người di cư bị nhiễm bệnh sốt rét từ các nước láng giềng.
Nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học Florida (Hoa Kỳ) đã lập bản đồ di dân ứng với tỷ lệ lan truyền bệnh sốt rét giữa các khu vực trên thế giới. Kết quả cho thấy, các quốc gia đông dân thường bị ảnh hưởng nhiều hơn, tỷ lệ mắc bệnh cũng cao hơn. Nhóm này bao gồm các nước ở Tây và Bắc Phi, các nước trung Mỹ, Tây và Đông Á. Trong khi đó, một số nước như Etiopia, Myanma, Trung Quốc, Iran và Afghanistan lại có “tính biệt lập” cao hơn, do đó, khả năng kiểm soát dịch bệnh quy mô quốc gia sẽ có cơ hội thành công cao hơn.