Giữ "rừng vàng", dân vẫn nghèo

ThienNhien.Net – Cao Bằng là tỉnh miền núi có thế mạnh về đất rừng và tiềm năng phát triển kinh tế từ lâm nghiệp. Tuy nhiên, có một nghịch lý vẫn tồn tại là trong khi Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của tỉnh đưa tỷ lệ che phủ rừng từ 31% năm 1999 tăng lên 51% năm 2010, những người dân sống với rừng, sống bằng nghề rừng vẫn chưa thể cải thiện cuộc sống nhờ rừng. Vùng sâu vùng xa có rừng tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức 30-40%.


Lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế từ “rừng vàng”

Đất rừng và lâm nghiệp toàn tỉnh có 464.151ha/672.462,18ha diện tích tự nhiên, chiếm 69%(*). Quỹ đất rừng dồi dào và được thiên nhiên ưu đãi nên rừng rất giàu về đa dang sinh học, thảm thức vật phong phú, nơi sinh trưởng nhiều cây gỗ quý hiếm như nghiến, trắc, đinh, lim, sến, lát hoa… và trên 617 loài cây dược liệu quý. Đây là tiềm năng quý giá để phát triển kinh tế rừng.

Toàn tỉnh có 47.779 hộ, 1.809 cộng đồng, 4.173 tổ, nhóm và các tổ chức nhận giao đất, giao rừng với diện tích 481.073 ha. Đến nay tỉnh đã có trên 90% diện tích đất rừng đã được giao, phần lớn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các tổ chức, cá nhân nhận đất rừng đã tích cực triển khai trồng rừng, bảo vệ rừng theo hình thức khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất.

Là nơi quần cư, sinh sống gắn bó lâu đời với rừng, các dân tộc bản địa nơi đây rất có ý thức bảo vệ rừng và có truyền thống giữ rừng bằng luật tục. Có dịp đến xóm Lũng Tủng (xã Kim Loan, huyện Hạ Lang), nơi thực hiện Chương trình thí điểm Rừng cộng đồng, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến mấy chục ha rừng nguyên sinh với nhiều cây gỗ quý của xóm. Rừng cây nghiến từ 300 – 500 tuổi còn ngút ngát màu xanh, có cây nghiến hơn 1.000 tuổi, cao khoảng 50m, 5 người ôm không hết gốc.

Anh Lăng Văn Khoa, tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng của xóm cho biết: Từ nhiều đời nay, theo luật tục dân trong làng không chặt cây trên rừng. Vì đây là rừng thần. Vào mùa xuân, dân làng làm lễ cúng tế tạ ơn thần rừng đã cho nguồn nước, mùa màng tươi tốt… Nếu ai chặt cây rừng thiêng sẽ bị phạt nặng. Được giao đất giao rừng, tổ bảo vệ rừng của xóm thường xuyên đi tuần tra rừng nên không có người ngoài xã đến chặt phá.

 

Miếu thờ thần rừng của xóm Lũng Tủng, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang. (Ảnh: Hoài Thanh)

Từ năm 1999 đến nay, UBND tỉnh triển khai Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng được nhân dân hưởng ứng và tích cực thực hiện, triển khai có hiệu quả. Rừng đặc dụng từ 8.654 ha đã tăng lên 15.794 ha/16.964 ha diện tích quy hoạch; rừng phòng hộ từ 104.676 ha tăng 207.636 ha/213.778ha; rừng sản xuất từ 95.256 ha tăng 111.446 ha/223.409 (đạt thấp so với kế hoạch), tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh tăng từ 31% lên 51%, diện tích rừng đạt 335.061 ha, trong đó rừng tự nhiên 318.029 ha, rừng trồng 16.847 ha.

Đánh giá về sự phát triển của ngành lâm nghiệp của tỉnh, ông Nguyễn Văn Lễ, Chi cục trưởng Chi Cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết: Những năm qua, tỷ lệ che phủ rừng tăng nhanh, khẳng định vai trò, sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Ngành lâm nghiệp đã thực hiện tốt việc giao đất giao rừng, tạo môi trường sinh thái; quy hoạch được từng vùng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các khu du lịch sinh thái, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng cây nguyên liệu. Rừng chính là ưu thế, tiềm năng kinh tế của tỉnh.

Người dân chưa thể sống bằng nghề rừng và sức ép phá rừng

Tuy việc khoanh nuôi bảo vệ bước đầu có hiệu quả, người dân sống với “rừng vàng” lại chưa được hưởng lợi xứng đáng để đảm bảo và cải thiện cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của tỉnh vẫn chiếm 30- 40%.

Triển khai Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, tổng đầu tư 104,520 tỷ đồng/10 năm hoàn toàn từ nguồn ngân sách Trung ương. Vốn đầu tư xé lẻ chi cho trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất từ 4-6 triệu đồng/ha (giống cây, phân bón, kỹ thuật), khoanh nuôi bảo vệ rừng 100.000 đồng/năm/ha/tổ bảo vệ rừng cộng đồng (5 người), 50.000đồng/năm/ha/hộ.

Đến một số xóm của 3 xã Đức Quang, Kim Loan (Hạ Lang) và Phúc Sen (Quảng Uyên), nơi thực hiện hiệu quả giao đất giao rừng và quản lý bảo vệ rừng, chúng tôi được biết nhiều xóm tỷ lệ hộ nghèo lên tới gần 40%. Trưởng thôn các xóm đều có chung ý kiến: Người dân được giao rừng chưa thể dựa vào rừng để cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập ngoài một số lợi ích không đáng kể như chặt tỉa cành cây làm chất đốt, khai thác một số cây gỗ về làm nhà văn hoá xóm. Kinh phí khoanh nuôi bảo vệ rừng 100.000 đồng/năm/ha/tổ bảo vệ rừng và 50.000 đồng/ha/năm/hộ là quá thấp không thể hỗ trợ cải thiện cuộc sống.

 
Cây nghiến cổ thụ ở xóm Lũng Tủng, xã Kim Loan, huyện Hạ Lang (Ảnh: ThienNhien.Net)

Nói về điều này, ông Nguyễn Văn Lễ cho biết: Kinh phí khoanh nuôi bảo vệ rừng chỉ có từ ngân sách Trung ương, ngoài ra không có nguồn vốn nào khác. Nguồn vốn hạn chế nên mức khoán bảo vệ rừng không những thấp mà còn không đủ để chi hết cho các hộ được giao đất, giao rừng nhằm hỗ trợ cải thiện cuộc sống. Hiện kinh phí chỉ đủ chi cho 1/3 hộ và cộng đồng. Trồng rừng sản xuất đạt thấp do chưa đảm quy hoạch đầu ra sản phẩm trồng rừng; quỹ đất nhiều nhưng thủ tục giao đất và cho thuê đất còn bất cập. Trồng rừng sản xuất từ 5 – 10 năm mới cho thu hoạch, trong khi chưa có cơ chế hỗ trợ cho người dân nên họ chưa mặn mà. Hiện nay, rừng nguyên liệu vẫn chỉ có vùng truyền thống cây trúc sào (Nguyên Bình), cây dẻ (Trùng Khánh), cây hồi (Thạch An, Trà Lĩnh) và vùng nguyên liệu ván dăm.

Chính vì những điều chưa thỏa đáng trong cơ chế hưởng lợi từ quản lý bảo vệ và trồng rừng sản xuất, nhiều hộ dân sống ở vùng có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vẫn đối mặt với nghèo khó và trình độ dân trí thấp. Vì vậy, bên cạnh thực hiện tốt khoanh nuôi bảo vệ, có nơi người dân vẫn bị “sức ép” phá rừng làm nương rẫy hoặc tiếp tay cho lâm tặc phá rừng phòng hộ lấy gỗ, vận chuyển gỗ thuê cho lâm tặc để mưu sinh.

10 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 4.664 vụ vi phạm quản lý bảo vệ rừng, chủ yếu là phá rừng lấy gỗ, khai thác vận chuyển chế biến lâm sản trái phép với hàng nghìn m3 khối gỗ; vi phạm phòng chống cháy rừng thiệt hại hàng nghìn ha.

Người dân còn khai thác ồ ạt cây dược liệu quý trên rừng bán sang biên giới từ 300.000-500.000 tấn/năm với giá rất rẻ (theo đánh giá của Hội Đông y tỉnh) mà chưa có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng. Giá trị dược liệu thô bán đi ước tính hàng nghìn tỷ đồng, mà nếu ở dạng thành phẩm sẽ có giá trị gấp 5 -20 lần. Nhiều cây dược liệu quý đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì bị khai thác kiệt quệ.

Người dân có thể sinh sống nhờ rừng và làm giàu từ rừng không?

Người dân sống gắn bó với “rừng vàng” có thể đảm bảo sinh kế và làm giàu từ rừng hay không? Trả lời câu hỏi này, Ông Nông Hồng Thái, tiến sỹ nông nghiệp, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật tỉnh cho rằng: Gần 80% dân số của tỉnh sống gắn bó với rừng, đời sống còn khó khăn đang chờ các nguồn vốn mục tiêu Quốc gia để xoá đói giảm nghèo. Nếu ưu tiên phát triển kinh tế rừng sẽ thúc đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, giảm “sức ép” phá rừng. Giao rừng cho hộ dân và cộng đồng là chủ chương phù hợp để phát triển kinh tế rừng và đưa tỷ lệ che phủ rừng tăng nhanh. Nếu 1 hộ dân có 1-3 ha đất rừng trồng cây nguyên liệu, sau 7-10 năm có đầu ra thu nhập gần trăm triệu; trồng cây lấy gỗ 10- 20 năm thu nhập cao hơn vì gỗ ngày càng có giá trị kinh tế cao. Như vậy, chúng ta không phải làm bài toán đánh đổi rừng với triển phát công nghiệp chế biến khoáng sản, nhà máy thuỷ điện khiến hệ sinh thái bị phá vỡ, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường sống của hàng nghìn người.

Tại Hội thảo khoa học về bảo tồn cây dược liệu Cao Bằng (10/6/2010), Giáo sư, tiến sỹ khoa học Trần Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cây thuốc Cổ truyền Dân tộc Hà Nội cho biết: Cao Bằng có trên 600 loại cây dược liệu, trong đó có dược liệu quý hiếm, thuộc diện “vàng xanh”, mang giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn như cây Thanh thiên quỳ, Lan gấm, Cây hoa vàng (Co boóc lương), cây Bẩy lá một hoa… trị giá triệu đồng/kg. Ngoài ra, có nhiều cây dược liệu trồng đại trà cung cấp cho thị trường bán lẻ và công ty dược phẩm. Nếu tỉnh có chiến lược bảo tồn, quy hoạch phát triển cây dược liệu thành hàng hoá thì người dân có thể trồng cây dược liệu làm giàu.

Theo ý kiến ông Lễ: Muốn phát triển kinh tế rừng để người dân đảm bảo sinh kế và làm giàu tỉnh cần có sự quan tâm đầu tư mạnh và hoạch định chiến lược của Nhà nước. Vì 2/3 diện tích đất rừng nằm ở địa hình chia cắt mạnh, vùng sâu vùng xa không có đường giao thông, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí thấp, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nên cần có sự đầu tư đồng bộ của Nhà nước về cơ sở hạ tầng, cơ chế hỗ trợ kinh phí phù hợp cho người dân trồng rừng. Nếu có cơ chế đầu tư, trồng 1ha rừng cây nguyên liệu sau 8-10 năm khai thác được 127,3m3/ha (rừng trồng thuần loài), 78,97m3/ha rừng khoanh nuôi tái sinh làm giàu rừng thu nhập khoảng 80 triệu (chưa trừ kinh phí đầu tư), rừng lấy gỗ thì giá trị cao hơn. Ngoài ra, tăng kinh phí khoanh nuôi bảo vệ rừng lên 500.000,đồng/ha/năm, trồng rừng sản xuất 5-10 triệu/ha, trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vùng đặc biệt khó khăn 10-25 triệu đồng/ha để hỗ trợ người dân cải thiện đời sống mới tương xứng sức lao động, thu hút người dân sống gắn bó với nghề rừng, giảm sức ép phá rừng.

Như vậy, người dân có thể đảm bảo sinh kế và làm giàu được từ “rừng vàng” hay không? Câu trả lời còn phụ thuộc vào việc hoạch định chính sách và sự đầu tư của nhà nước.


(*)Theo Báo cáo số 986/BC-UBND tỉnh Cao Bằng về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc Hội – Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng từ 1998 đến 2010.