TP. HCM có thêm những “cánh đồng hoang”

ThienNhien.Net – Trong vòng 15 năm trở lại đây, đất nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang dần bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và quy hoạch khu công nghiệp. Đã vậy, những “cánh đồng hoang” cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn, mà nguyên nhân lại do chính những nhà máy, khu công nghiệp xả nước thải gây ô nhiễm.


Báo cáo 2008 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết, để mở rộng đô thị và phát triển các khu công nghiệp, đất nông nghiệp của thành phố phải thu hẹp lại. Cụ thể năm 2008 là 121.313 ha, giảm 2.204 ha so với năm 2004, trong đó đất trồng lúa giảm 6.030 ha so với năm 2004. Mỗi năm diện tích đất nông nghiệp của thành phố bị mất khoảng 1.400 ha, tập trung ở 5 huyện ngoại thành: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ cùng một phần các quận 12, Thủ Đức.

Thêm nữa, theo Báo Đại Đoàn Kết 23/07, do quá trình đô thị hóa nhanh và áp lực về dân số, người dân “sẵn sàng” bán đất hoặc để đất trống phục vụ yêu cầu kinh tế khác, không đầu tư cho sản xuất nông nghiệp dẫn đến diện tích đất nông nghiệp giảm nhanh, nhất là diện tích trồng lúa.

Mặt khác, một phần diện tích đất nông nghiệp ít ỏi còn lại lại bị bỏ hoang do ô nhiễm nguồn nước từ chất thải khu công nghiệp. Điều này đã khiến cho nhiều hộ nông dân đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn, do không thể sản xuất hay canh tác được.

Theo các chuyên gia, với tốc độ đô thị hóa và phát triển các dự án như hiện nay, mất đất nông nghiệp là điều không thể tránh khỏi, quan trọng là UBND TP cũng như Sở Tài nguyên và Môi trường cần có biện pháp quản lý tốt quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, nhằm đảm bảo diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài.