Thảo luận về Luật Thuế bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Ngày 23/07, tiếp tục phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT).


Dự án Luật đã được Quốc hội khóa 7 thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

Sau kỳ họp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) của Quốc hội đã phối hợp với ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan của Quốc hội tổ chức nghiên cứu, tiếp thu một bước ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Tại phiên họp này, UBTVQH cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có quan điểm khác nhau.

Về phương pháp tính thuế, đa số các thành viên UBTVQH nhất trí với quy định trong dự thảo Luật là xác định mức thuế tuyệt đối nhằm tạo sự đơn giản, minh bạch trong tổ chức thực hiện. Bởi mục tiêu ban hành thuế BVMT nhằm hướng tới điều chỉnh hành vi, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không đặt quá cao mục tiêu thu ngân sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, thay vì việc tính thuế theo tỷ lệ %, xác định mức đánh thuế tuyệt đối là hợp lý, vì đánh thuế theo mức độ ô nhiễm chứ không theo giá trị sản phẩm, không phụ thuộc vào tăng hay giảm giá bán hàng hóa. Hơn nữa, việc đánh thuế tuyệt đối sẽ tạo sự đơn giản minh bạch trong tổ chức thực hiện.

Về khung thuế suất, theo đa số ý kiến, cần rà soát lại sàn và khung thuế sao cho linh hoạt, chi tiết, đảm bảo không gây xáo trộn lớn, quá sức chịu đựng người sản xuất và người tiêu dùng.

Đối với một số mặt hàng cụ thể, ví dụ xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, xăng, dầu đã phải chịu nhiều loại thuế, phí, do đó cần quy định mức thuế phù hợp, tránh làm tăng giá, gây ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhân dân.

Về quy định hoàn thuế, các đại biểu thống nhất việc hoàn thuế đối với các hàng hóa tạm nhập, tái xuất là cần thiết, tuy nhiên cần đảm bảo chặt chẽ, tránh lợi dụng quy định về hoàn thuế để trục lợi.

Về phân chia nguồn thu từ thuế, một số ý kiến cho rằng sẽ không quy định trong Luật này mà là nội dung của Luật Ngân sách nhà nước, dự kiến sẽ được sửa đổi bổ sung trong năm tới.

Về đối tượng không thuộc diện chịu thuế, các đại biểu đồng tình với ý kiến của Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, đối với hàng hóa xuất khẩu, chưa sử dụng trong nước, chưa phát sinh ảnh hưởng đến môi trường khi sử dụng, do đó không nên đánh thuế. Khi hàng hóa Việt Nam đã nhập khẩu vào nước khác đã phải chịu thuế BVMT của nước đó, khi đánh thuế chồng chéo sẽ tác động đến giá thành sản phẩm xuất khẩu.