Biến đổi khí hậu – không phải chuyện của trời (Kì cuối)

ThienNhien.Net – Dẫu biết rằng nắng, mưa là chuyện của trời. Nhưng trời ngày càng khắc nghiệt bắt người dân phải cam khổ nhiều hơn. Đó là tiếng than vãn của những cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước sự khắc nghiệt của thời tiết. Mưa thuận, gió hòa là một ước mơ ngàn đời của người dân, nhưng đáng buồn giấc mơ này ngày càng xa vời thực tế khi mà thiên nhiên và con người đang ngày khoét sâu mâu thuẫn, để bây giờ phải cất công đầu tư hàng loạt dự án nhằm cứu ĐBSCL thoát khỏi thảm họa của Trái đất.

 

Gần xa mưa nắng

Ngày 23/06/2010, tại TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang diễn ra Diễn đàn Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL với chủ đề “Đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu”. Tại đây, các đại biểu trong và ngoài nước đều xác định ĐBSCL là một trong ba vùng đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất hành tinh do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo kịch bản nước biển dâng ở mức cao, nghĩa là tăng 1m vào năm 2100 (so với thời kỳ 1980-1999), ĐBSCL sẽ bị xâm nhập mặn 70% diện tích, khoảng 37,8% diện tích bị nhấn chìm, trong đó có 2 triệu ha đất lúa bị mất. Thời gian ngập úng ở ĐBSCL có thể kéo dài 4-5 tháng.

Cà Mau sẽ là địa phượng chịu thiệt hơn cả bởi nơi đây 3 mặt giáp biển, cao triều nhiều nơi chỉ 0,4m so với mặt nước biển. Cà Mau có nguy cơ có đến 80% diện tích chìm trong nước. Các huyện Hòn Đất của Kiên Giang, Đông Hải của Bạc Liêu cũng vậy, có thể ngập trắng.

Chuyện nước biển dâng, biển đổi khí hậu, trái đất nóng lên vào 100 năm nữa nghe còn xa vời. Song, vừa năm nay thôi tất cả các hệ thống kênh cấp 3 cấp 2 tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp bị cạn kiệt là có thật. Diễn biến của thời tiết trong năm qua cho thấy thiên nhiên đã khắc nghiệt hơn so với cách đây 10 năm.

Theo GS.TSKH. Lê Huy Bá, Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường – Đại học Công nghiệp TPHCM, tình trạng biến đổi khí hậu đang hiển hiện ngay trong năm nay. Tình trạng xâm nhập mặn sâu vào đất liền, lượng mưa ít, nhiệt độ tăng… là biểu hiện của biến đổi khí hậu, nếu ngay từ bây giờ không đưa ra chương trình ứng phó, nhằm thích ứng với môi trường thì hậu quả sẽ khôn lường.

Tại hội thảo nói trên, TS. Geoffrey Blate, Điều khối viên Chương trình biến đổi khí hậu ĐBSCL của Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) chia sẻ: “Hà Lan đã thay đổi cách thích ứng với biển đổi khí hậu. Họ đã tính đến việc xây dựng những “túi nước ngọt” thay vì xây dựng hệ thống đập bảo vệ cho cư dân của mình. Họ cũng tính đến việc trồng rừng ven biển, trong khi ở ĐBSCL việc phát triển rừng ven biển không khó, thậm chí rất hiệu quả“.

Những mô hình thích nghi

 

Theo GS. Lê Huy Bá đã đến lúc phải thực hiện một số giải pháp thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại ĐBSCL như: Xây dựng hệ thống hồ điều hòa giữ nước ngọt, chống mặn mùa khô, giảm ngập mùa lũ; giải quyết tranh chấp tôm – lúa; giữ lớp đất ngọt trên mặt ruộng; quy hoạch sử dụng đất đai theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu; quy hoạch các vùng dân cư; tổ chức chặt chẽ chỉ đạo vùng ĐBSCL…

 

Ông Trần Văn Tư, Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam, thì cho rằng cần phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và thủy sản gắn với bảo vệ rừng tại ĐBSCL. Ông lý giải: “Chỉ có thảm rừng ngập mặn mới là túi lọc của sóng biển và hạn chế nước biển dâng, đồng thời làm giảm sự gia tăng nhiệt độ”.

 

Các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó đều chú trọng đến việc bảo vệ rừng và bố trí sản xuất hợp lý. Trong đó, cần kể tới một mô hình sản xuất kết hợp cho hiệu quả cao. Đó là mô hình sản xuất lúa – tôm tại Cà Mau, Bạc Liêu.

 

Điều khá lý thú là trong mô hình này, cả cây lúa, con tôm đều cùng chung hệ thống thủy lợi. Các nhà khoa học sau này gọi đây là mô hình sản xuất luân canh lúa-tôm. Nhưng xuất phát điểm của nó chính từ lối nghĩ đơn giản mà thực tế của bà con nông dân rằng mùa khô nước mặn thì thả tôm, mùa mưa nước ngọt thì trồng lúa.

 

Sau nhiều năm sản xuất, Sở NNPTNT Bạc Liêu tổng kết mô hình lúa-tôm cho thấy lợi nhuận thu được lên đến 45 triệu đồng/ha/năm. Từ 6.800 ha vào năm 2000, đến nay diện tích lúa-tôm của tỉnh đã tăng lên đến 24.000 ha. Tại Cà Mau, năm 2000 có 16.000 ha thì nay lúa – tôm đã có trên 60.000 ha.

 

Mặn xâm nhập tới đâu, diện tích lúa-tôm lan rộng đến đó. Ông Phan Minh Quang, Phó giám đốc Sở NNPTNT Bạc Liêu nhận định rằng trong những năm tới khi nước mặn tiếp tục xâm nhập sâu hơn vào nội địa, mô hình lúa-tôm sẽ còn mở rộng.

 

 Đê Vĩnh Châu
Được dải rừng ngập mặn phòng hộ ven biển bảo vệ, con đê đất dù chưa được kiên cố hoá vẫn tồn tại bình yên (Ảnh: ThienNhien.Net)

Trong khi đó, một mô hình thí điểm về quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển dựa trên cách tiếp cận mới về khôi phục, trồng và quản lý rừng ngập mặn cũng đã phát huy hiệu quả tại ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

 

Tại đây, cùng với sự hợp sức của chính quyền và các bên liên quan, cộng đồng chủ động tham gia quá trình bàn bạc, thực hiện và giám sát dự án, hay nói một cách khác thông qua quá trình thương lượng, quyền và trách nhiệm các bên tham gia mô hình quản lý nguồn tài nguyên ven biển được chia sẻ.

 

Theo mô hình này, vấn đề quản lý tài nguyên được xem xét một cách tổng hợp, liên ngành và chú trọng tới tính toàn vẹn của hệ sinh thái. Toàn bộ vùng bảo vệ được phân chia thành các khu khác nhau để thiết lập chế độ quản lý, bảo vệ cho phù hợp.

 

Sau ba năm triển khai, mô hình đã khẳng định được những bước đi vững chãi, không chỉ giúp bảo vệ được rừng ngập mặn và nguồn lợi tự nhiên mà còn duy trì ổn định nguồn sinh kế cho người dân nghèo ven biển.

 

Như vậy để thấy rằng chúng ta đang và có thể xây dựng được những mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, xuất phát từ chính sự tham gia và hiểu biết của người dân vùng đồng bằng. GS. Võ Tòng Xuân từng nói: “Nước mặn cũng là tài nguyên. Đừng quá lo lắng khi nước mặn tràn vào vùng ngọt bởi nước sẽ từ từ đi vào. Nếu được quy hoạch sản xuất tốt chúng ta vẫn khai thác được tiềm năng này để áp dụng vào sản xuất“.

 

Nguyện cầu cho mai sau

 

Môi trường đã thật sự thay đổi trên vùng ĐBSCL. Cư dân nghèo ven biển thật sự bị ảnh hưởng nặng nề do sóng, gió, nắng nóng. Đối với vợ chống anh Nguyễn Thanh Giang, Phú Tân, Cà Mau chuyện biển đổi khí hậu quá xa vời. Vợ chồng anh mong sao cho mưa thuận gió hòa để có con tôm, con cá nuôi sống gia đình. Nếu được Nhà nước di dời vào nơi an toàn, khỏi phải ở nơi đầu sóng ngọn gió thì điều đó đã thoả mong ước của vợ chồng anh cùng với 11 đứa con nheo nhóc.

 

Mà có riêng gì vợ chồng anh, hàng chục ngàn cư dân ven biển ĐBSCL họ mong muốn như vậy. Tuy nhiên, hết mùa nắng nóng rồi đến mùa mua bão ập đến. Năm nay hết tháng 6 mà trời mới chuyển mùa mưa, điều này báo hiệu những cơn bão nhiệt đới đang đến gần và dồn dập hơn.

 

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lý, xã Vĩnh Trạch Đông, Thị xã Bạc Liêu ( Bạc Liêu) sống bằng nghề cáo nghêu lo lắng: ” Trời hết nắng nóng lại mưa bão nên đời sống gia đình mấy năm nay khó khăn lắm”.

 

Ô hay! Anh còn có thể nghèo hơn thế ư! Không đất, chẳng nhà, con chẳng học hành. Mò nghêu, bắt ốc mà cũng trông chờ vào thời tiết thì quả thật sự khắc nghiệt của thiên tai đâu phải chỉ có người dân khá giả, có ruộng, có vườn, có cây ăn trái, con cá, cọng rau mới lo lắng.

 

Và tôi, một kẻ vừa thoát khỏi kiếp nông dân bước chân chập chững làm anh công chức xin nguyện cầu cùng trời đất sao cho mưa thuận gió hòa. Bởi hạt gạo tôi ăn, bồn nước tôi tắm, chiếc áo tôi mặc là do biết bao người tần tảo trong điều kiện khắc nghiệt của môi trường tạo nên.

 

Lạy trời mưa nắng phải thì“…

Biến đổi khí hậu – không phải chuyện của trời (Kì 1)


Biến đổi khí hậu – không phải chuyện của trời (Kì 2)


Biến đổi khí hậu – không phải chuyện của trời (Kì 3)


Biến đổi khí hậu – không phải chuyện của trời (Kì 4)