Biến đổi khí hậu – không phải chuyện của trời (Kì 4)

ThienNhien.Net – Chưa bao giờ ĐBSCL nóng như năm nay. Cái nóng hầm hập bao trùm mỗi gia đình. Hàng chục ngàn ha diện tích lúa, tôm của người dân bị thiệt hại. Nắng nóng, nhiệt độ tăng cao đã làm cho sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Song, chắc chắn cái nóng đó chưa phải là kỷ lục.


Cái nóng chưa qua

 

 

Chuyện bất thường đã thành bình thường

   

Theo trung tâm dự báo thời tiết khu vực Nam Bộ năm nay nắng nóng kéo dài, mùa mưa bão đến muộn hơn so với mọi năm. Cũng theo cơ quan này khả năng năm nay Việt Nam sẽ đón nhận nhiều cơn bão nhiệt đới với cường độ mạnh hơn mọi năm. Diễn biến bất thường của thời tiết năm nay ai cũng biết. Nắng nóng gần như làm đảo lộn mọi sinh hoạt của người dân tại khu vực ĐĐSCL nói riêng và cả nước nói chung.

 

ĐBSCL có hai mùa: mùa mưa và mùa nắng. Mùa nắng vừa qua đồng bằng phải đối mặt với thời tiết bất thường đến mức nghiệt ngã. Nhiệt độ nhiều lúc đến trên 34oC. Đó là điều bất thường ở vùng đất này. Các nhà khoa học phương Tây dự đoán trong vòng 100 năm tới nhiệt độ sẽ tăng lên ba bốn độ gì đó. Không biết trăm năm sau thế nào chứ năm 2010 so với 2009, cái nóng vùng đồng bằng này đã tăng nhiều lắm. Thời gian nắng nóng cũng kéo dài hơn.

 

Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, từ sau năm 1975 đến nay, toàn tỉnh đã mất đi trên 200.000 ha rừng các loại. Đáng chú ý là thảm rừng ngập mặn và rừng tràm mất đi đáng kể. Có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến việc mất rừng: trước thì do chiến tranh, sau này thì do cháy rừng, phá rừng…

 

Cũng theo cơ quan này, mỗi năm Cà Mau mất ít nhất 200 ha rừng do cháy rừng vào mùa khô. Năm 2010 dù không nhiều đám cháy lớn, nhưng toàn tỉnh cũng mất trên 130 ha rừng.

 

Tại Bạc Liêu, trong vòng 20 năm diện tích rừng ngập mặn bị thu hẹp trên 14.000 ha, nay chỉ còn dưới 6.000 ha. Đường bờ biển của Bạc Liêu dài 54 km, nhưng dải “tường xanh chắn sóng” ở nhiều nơi rất thưa, hoặc thậm chí biến mất hoàn toàn, chỉ cần một cơn thịnh nộ của biển là sóng sẽ tràn qua đê một cách dễ dàng.

 

Rừng – lá phổi xanh của vùng ĐBSCL – mất đi diện tích khá lớn đã vô tình làm tăng nền nhiệt độ chung. TS. Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu tỏ ra bức xúc trước việc phá rừng ngập mặn nuôi tôm. Theo TS. Tuấn cần phải tách rừng ra khỏi tôm và muốn cho môi trường trong lành cần phải trồng thêm rừng.

 

ĐBSCL có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 1.377.800 ha chủ yếu là vùng ven biển. Cái lợi trước mắt nhờ nuôi tôm đã khiến hàng loạt diện tích rừng mất đi, một diện tích không nhỏ cây ăn trái cũng đã bị phá bỏ, nhường chỗ cho tôm.

 

Biến đổi khí hậu – ngôn từ thời trang!

 

Đừng đổ thừa tất cả cho biến đổi khí hậu, trước hết hãy xét tới vấn đề quy hoạch và quản lý của chúng ta” – đó là nhận định của TS. Nguyễn Hiếu Trung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển đổi khí hậu ĐBSCL kiêm Trưởng khoa Môi trường Trường Đại học Cần Thơ. TS. Trung cho biết có một thực tế là từ khi khái niệm biến đổi khí hậu được nhắc tới nhiều, cái gì người ta cũng đổ thừa do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mưa lớn gây ngập hẻm, sạt lở bờ sông, bờ biển đều dễ dàng bị quy lỗi tại biến đổi khí hậu, người ta không chịu những nguyên do đơn giản và hiển hiện trước mắt như cơ sở hạ tầng đô thị đã xuống cấp, rừng phòng hộ bị tàn phá, hệ thống đê biển, đê sông chưa được đầu tư nâng cấp một cách hợp lý.

 

Nghe những phân tích của TS. Trung tôi giật mình nghĩ lại về quy hoạch phát triển cho toàn vùng ĐBSCL. Được biết, nghiên cứu do Chính phủ Hà Lan hỗ trợ thực hiện vào những thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước về liên kết vùng đã khuyến cáo vùng đồng bằng chỉ nên phát triển hai vụ lúa. Nhưng trên thực tế cây lúa được phát triển tự phát đã phá vỡ quy hoạch.

 

Là vựa lúa lớn nhất nước, nhưng hệ thống canh tác của ĐBSCL còn lạc hậu, người dân sử dụng nước chưa hợp lý, chủ yếu lấy nước từ hạ lưu sông Mê kông và nước trời. Họ phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, thiếu chủ động trong cả hai việc: nguồn nước tưới tiêu và nước thải.

 

Là vùng có diện tích nuôi trông thủy sản lớn nhất nước, chiếm trên 72% trữ lượng thủy sản cả nước, nhưng hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản chưa được đầu tư xứng đáng. Nghề  nuôi cá da trơn tại ĐBSCL hàng năm đem về trên 2 triệu USD nhưng tất cả đều phụ thuôc vào thời tiết.

 

TS. Trần Mạnh Hảo, Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản 2 cho biết: “Người dân nuôi cá da trơn chủ yếu nuôi bè, nếu như tình trạng xâm nhập mặn kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng cá thu hoạch. Thậm chí, nghề nuôi khó có thể tồn tai nếu như độ mặn trên sông Tiền, sông Hậu lên đến 2 o/oo vào năm 2030 mà Viện cảnh báo cách đây 2 năm trước, chứ không phải đợi đến khi có chương trình ứng phó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng mới đưa ra“.

 

Vùng ven biển Cà Mau cần đến 7.000 tỉ đồng để đầu tư nâng cấp đê biển, đê sông, nhưng nhu cầu này hiện nay Chính phủ chỉ đáp ứng 500 tỉ đồng/năm. Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau than thở: “Nếu không có tiền để làm đồng loạt các đê biển, đê sông ở Cà Mau thì tình trạng sạt lở, vỡ đê vào mùa mưa bão sẽ nghiêm trọng hơn. Với số tiền này, chúng tôi không thể đầu tư nâng cấp đồng bộ được mà phải chia nhỏ ra, đầu tư theo mức độ ưu tiên. Sự đầu tư nhỏ giọt này rất khó đảm bảo cho sản xuất, kể cả bảo vệ tính mạng của người dân“.

 

Chung tay thay cho lý giải

 

TS. Trung cho biết Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu ĐBSCL phối hợp với các đối tác đã hoặc đang nghiên cứu, phân tích một số lĩnh vực như: Tác động của biến đổi khí hậu lên khu vực nông thôn, khả năng bị tổn thương và khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu của khu vực thành thị, tác động của biến đổi khí hậu lên môi trường, kinh tế xã hội và sinh kế người dân…Theo TS Trung, đây là những dự án tập trung vào nâng cao khả năng thích nghi cho người dân, thay vì đưa ra những cảnh báo chung chung nay đã có kha khá.

 

Cuối tháng tư vừa qua, nhân dịp đón nhận bằng công nhận Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới Cà Mau, UBND tỉnh tổ chức hội thảo chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Việc Cà Mau được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới mở ra cơ hội để Cà Mau phát triển nhưng đứng trước thách thức về việc khai thác và bảo vệ trước tình hình biển đổi khí hậu đã được cảnh báo“.

 

Chính vì vậy Cà Mau đã xây dựng nhiều tiểu dự án nhằm năng cao năng lực cho ngư dân ven biển trước thảm họa của thiên tai. Tỉnh đã tổ chức trên 16 lớp dạy ngư dân khai thác thủy sản hợp lý, giúp họ nhận thức tác động từ các hoạt động đánh bắt của mình đến môi trường.

 

Cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu cũng chính thức cho điều tra lại toàn bộ nhu cầu thủy lợi phục vụ cho sản xuất (kể cả hệ thống canh tác lúa và hệ thống canh tác tôm), điều tra cư dân ven biển để từ đó có phương án di dời dân cư khỏi vùng sạt lở, vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.

 

Ông Phạm Hoàng Bê, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Biến đổi khí hậu là từ rất mông lung, bao hàm nhiều nội dung. Hiện nay Bạc Liêu chỉ đạo cho các ngành chức năng và các huyện ven biển điều tra lại mức sống dân cư và khả năng bị ảnh hưởng để có hướng di dân, xác định các mô hình thích ứng“.

 

Trong khi đó, Cục trồng trọt cũng đã bắt tay vào nghiên cứu bộ giống mới có khả năng chịu mặn tốt, năng suất cao phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp toàn vùng. TS. Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọc – Bộ NNPTNT cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu nhiều bộ giống có khả năng chống chịu mặn từ nhiều năm nay. Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Cục trồng trọt đang xúc tiến nhanh dự án nghiên cứu này nhằm sớm đưa các bộ giống được cấp xác nhận ra thị trường giúp nông dân lựa chọn cho sản xuất“.

 

Tuy mỗi nơi một cách, song có thể nói, các ngành, địa phương đang chung tay đưa ra nhiều giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, để cùng với người dân vượt qua thời kỳ khắc nghiệt của thiên nhiên.

Biến đổi khí hậu – không phải chuyện của trời (Kì 1)

Biến đổi khí hậu – không phải chuyện của trời (Kì 2)

Biến đổi khí hậu – không phải chuyện của trời (Kì 3)