ThienNhien.Net – Nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả đất nương rẫy trên cả nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai Đề án “Hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy” từ năm 2008 đến 2012. Đến nay, Đề án đã bước đầu đem lại hiệu quả cho hàng trăm hộ dân vùng núi cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, canh tác nương rẫy là một trong những nguyên nhân chính gây cháy và mất rừng hàng năm ở nước ta. Để giải quyết vấn đề này, Bộ đã cho thực hiện Đề án trên, tập trung vào 34 tỉnh trọng điểm lâm nghiệp, với tổng kinh phí 3.047 tỷ đồng.
Qua 3 năm triển khai, Đề án đã giúp chuyển đổi 360.000ha nương rẫy sang rừng sản xuất, rừng phòng hộ trên cơ sở canh tác rừng – rẫy luân canh, và chuyển khoảng 840.000ha sang phương thức canh tác nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng thâm canh kết hợp trồng rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả.
Bên cạnh đó, Thời báo Kinh tế Việt Nam 19/07 cho biết, Đề án đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu để chuyển diện tích trồng lúa nương thành những cánh đồng lúa nước hoặc cánh đồng thâm canh cây rau màu theo phương thức canh tác ổn định.
Mục tiêu của Đề án đến năm 2015 là nâng cao hiệu quả sử dụng đất nương rẫy lên gấp 2 lần, khoảng 600.000 hộ dân được hưởng lợi với mức tăng thu nhập của người dân vùng cao lên 50-80%.
Đồng thời, để ngăn chặn tập quán phát nương làm rẫy vốn có từ lâu đời của người dân vùng cao, Đề án cũng cần tăng cường công tác giáo dục và nâng cao năng lực cho người dân về bảo vệ rừng, thực hiện canh tác nương rẫy theo phương thức nông – lâm kết hợp.