ThienNhien.Net – Theo thống kê của Văn phòng phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Cà Mau, tỉnh có đến hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng. Người dân sống nơi đây có thể trôi tuột ra biển hay xuống sông bất cứ lúc nào. Tuy nhiên vì kế mưu sinh nên dù biết mình đang sinh sống bên miệng thủy thần, người dân vẫn không di dời nơi khác. Để rồi mỗi khi thời tiết bất ổn họ lại tràn đầy nỗi lo…
Nơi con sóng vỗ về
Sống trên miệng thủy thần
Cà Mau 3 mặt giáp biển, với 254 km, chiếm 7,8% chiều dài bờ biển cả nước. Bên cạnh đó, Cà Mau cũng có hệ thống cửa sông lớn dày đặc. Số liệu thống kê giữa các nơi tuy có chênh lệch nhau, song nhìn chung, toàn tỉnh hiện có hàng ngàn hộ dân đang sinh sống ven biển, chịu nguy cơ cao khi thủy triều nổi cơn thịnh nộ.
Nơi con sóng vỗ bờ, bên cạnh công lao bù đắp thêm những hạt phù sa, nó cũng lấy đi ít nhất 90 ha đất của Cà Mau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của một bộ phận dân cư.
Vợ chồng ông Trần Văn Giang, cư ngụ tại ấp Cái Cám, xã Tân Hải, huyện Phú Tân (Cà Mau), suốt 20 năm nay ngụp lặn trên biển kiếm cái ăn, đều đặn mỗi năm sinh một đứa con, nay mới ngoài 50 mà đã có đến 10 đứa con. Cái nghèo cứ bám theo như số phận. Cả đại gia đình 12 người chỉ trông chờ vào chiếc ghe biển có giá chưa đến 30 triệu đồng, mỗi tháng ra biển chưa đến 10 ngày. Tất bật với chén cơm manh áo, nên chỉ có đứa con thứ 8 học hết lớp 3, còn đứa thứ 9 năm nay đã 10 tuổi nhưng mới theo học lớp 1.
Ấy vậy, với vợ chồng ông, cái nghèo, cái khó không đáng sợ bằng nỗi ám ảnh bị biển đuổi. Hai mươi năm sống ở mỏm đất nhô ra biển này, ông bà đã 5 lần phải dời nhà cửa và không biết bao nhiêu lần vợ chồng con cái bồng bế nhau chạy vào đất liền vì sóng to gió lớn.
Khu xóm nhỏ trên 10 gia đình ở đây nhà nào cũng có ít nhất trong đời vài lần chạy tháo thân vì biển đuổi. Bé Nguyễn Như Tâm mới 8 tuổi nhưng cũng đã qua 5 lần chạy nước cùng cha mẹ. Đó là những mùa gió chướng thổi về, khoảng tháng 12, khi những con sóng bạo dạn liếm vào tận chân gường ngủ của cả gia đình.
Tại ấp 8, Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), trên 70 hộ dân sống ngay mũi đất nhô ra biển. Năm nào nước biển cũng dâng lên, cả làng cùng chạy. Chính vì vậy mà khu vực này được người dân địa phương đặt cho cái tên “xóm trôi” hay “làng ốc đảo”. Chị Nguyễn Kim Lý, sống bằng nghề chài lưới khoe: “Vào những tháng gần Tết, cả làng đều trôi luôn. Con heo buộc trong nhà cũng trôi tuốt luốt chớ đừng nói chi mùng mền, chiếu gối“.
Theo thống kê của Văn phòng Phòng chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai tỉnh Cà Mau, tỉnh có đến hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng. Người dân sống nơi đây có thể trôi tuột ra biển hay xuống sông bất cứ lúc nào. Tuy nhiên vì kế mưu sinh nên dù biết mình đang sinh sống bên miệng thủy thần nhưng người dân vẫn không di dời nơi khác. Để rồi mỗi khi thời tiết bất ổn họ tràn đầy nỗi lo…
KS. Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau đưa cho tôi bản tổng hợp tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh Cà Mau với nhiều tâm tư: “Thực tế nhiều hơn báo cáo lắm ông ạ! Di dời dân đến chỗ an toàn, muốn lắm nhưng tiền ở đâu mà làm“.
Lướt qua bảng báo cáo tôi thật sự giật mình bởi lâu nay người ta thường nói Cà Mau mỗi năm lấn biển đến vài chục ha, nào ngờ chiều dài bờ sông 7.500 km thì mỗi năm mỗi bên lở 0,5m; 254 km bờ biển bình quân cũng mỗi năm lở 3m. Nhẩm tính thì mỗi năm riêng tỉnh cực Nam của tổ quốc này “thủy thần” đã cướp đi đến 826 ha đất.
Cuối năm 2007, chỉ trong hai tuần lễ, từ ngày 25/10 đến 10/11 đã xảy ra hai đợt triều cường làm cho trên 300 km bờ bao bị tràn, gây thiệt hại sản xuất 4.886 ha. 3.478 ha tôm nuôi chuẩn bị thu hoạch thất trắng, 510 ha cá nuôi đi theo sông, theo biển, 898 ha lúa bị nước mặn tràn đồng, tổng mức thiệt hại trên 4 tỉ đồng.
Năm 2008, nước tràn đê gây thiệt hại cho trên 10.632 ha sản xuất trong đó trên 7.000 ha tôm nuôi, 3.114 ha hoa màu… bị thất trắng, tổng mức thiệt hại lên đến 10 tỉ đồng.
Năm 2009 chỉ tính riêng đợt triều cường có 3 ngày (từ 04 -06/11/2009) nước đã đồng loạt tràn qua tuyến đê dài 583km gây thiệt hại trên 14.795 đất sản xuất của người dân, trong đó gần 11.000 ha diện tích tôm nuôi, 3.867 ha lúa trên đất nuôi tôm gần như thiệt hại trắng, tổng mức thiệt hại lên đến 15 tỉ đồng.
Đó là những cơn thủy triều vào mùa thịnh nộ đã ngoạm vào đất liền gây nên những thiệt hại lớn đối với những cư dân ven biển. Theo nhận định của Sở NN&PTNT Cà Mau, triều cường có xu hướng dâng năm sau cao hơn năm trước, thiệt hại vì thế cũng kinh hoàng hơn.
Có thể nói trên 80 cửa sông, cửa biển lớn tại Cà Mau người dân nơi đây lúc nào cũng canh cánh nỗi lo con sóng vỗ. (Ảnh: ThienNhien.Net) |
Tuy nhiên, tại các cửa sông lớn như Khánh Hội, Ba Tĩnh, Sào Lưới, Kênh Mới, Quản Thép, Sông Đốc, Mỹ Bình, Gành Hào, Hố Gùi, Tân Ân, Nhưng Miên, Xóm Tắc… ngoài nỗi lo nước tràn đê sông gây thiệt hại cho sản xuất, hàng chục ngàn hộ dân còn canh cánh nỗi lo lở đất mất nhà.
Chỉ tính riêng năm 2009, tại các cửa sông này đã xảy ra hàng chục vụ sụt lở đất làm mất trên 100 ngôi nhà, ước thiệt hại về vật chất trên 15 tỉ đồng. Ngày 27/05/2009 người dân ở xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi bàng hoàng khi thức giấc mà chẳng thấy 13 căn nhà ở khu vực chợ ven sông ở đâu. Vết tích còn lại là đoạn nứt sâu 30 m kéo dài 150 m như lời thách thức.
Ngày 9/6/2009 đoạn sông Ông Búp xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi xảy ra sụt lở đất nghiêm trọng với chiều dài sạt lở trên 35m làm cho 3 hộ dân trôi tuột xuống sông.
Ngay ngày hôm sau, trên tuyến sông Cửa Lớn, thuộc ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn đất lở cả đoạn dài 27m, rộng tới 12m làm cho một trại tôm giống “mất tích”.
Cũng trên đoạn sông này 7km khác đang có nguy cơ sạt lở, điều đáng báo động là có khoảng 2,5 km là khu dân cư tập trung có hiện tượng sạt lở bất cứ lúc nào. Và còn nhiều, rất nhiều những điểm sạt lở nữa đang chực chờ nuốt chững những căn nhà ven sông của Cà Mau.
Là người nhiều năm theo dõi diễn biển của thiên tai, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi ngậm ngùi: “Mỗi năm hễ đến tháng 9 trở đi nghe điện thoại là tôi sợ. Không bị tràn đê cũng lở đất. Thấy bà con sống như vậy thương lắm, nhưng ngân sách có hạn nên việc kiên cố hóa đê biển, đê sông rất khó khăn. Đã vậy chúng tôi liên tiếp nhận những cảnh báo về biến đổi khí hậu, nước biển dâng“.
Thật ra không đợi đến chương trình ứng phó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng của Chính phủ, Cà Mau mới nghĩ đến chuyện an toàn cho dân và bảo vệ đê điều. Trước đó và cả hiện tại, Cà Mau đã có hàng loạt chương trình, dự án di dân ra khỏi vùng nguy cơ của thiên tai. Tuy nhiên nguồn kinh phí rót cho chương trình, dự án này như đem muối bỏ biển.
Gian nan làng tái định cư
Trong vòng 4 năm (2006 -2009) Cà Mau đã bố trí di dời trên 700 hộ với hơn 3.000 người sống trong vùng thiên tai đến những làng tái định cư được xây dựng sẵn. Kinh phí xây dựng những làng tái định cư này lên đến trên 30 tỉ đồng. Tuy nhiên, con số này còn rất thấp so với nhu cầu trên 15.000 dân tại đây.
Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau cho biết: “Tỉnh quy hoạch 16 cụm, tuyến dân cư trên địa bàn, nhưng hiện nay khó khăn nhất là kinh phí, trong khi đó số hộ sống trong vùng ảnh hưởng thiên tai ngày càng tăng“.
Dân nghèo, không đất sản xuất dựng nhà tạm trên đê biển Đông. Chính quyền lúng túng chưa biết dời họ đi đâu. (Ảnh: Nhật Hồ) |
Khó khăn là vậy, nhưng chính làng tái định cư cũng thiếu sự hấp dẫn đối với người dân. Tại làng tái định Cư Hố Gùi, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân được xây dựng gọi là hoàn chỉnh nhất của Cà Mau, Nhà nước đã bỏ ra số tiền lớn xây dựng những ngôi nhà đúng quy cách (4mx11m), có trường mẫu giáo, hệ thống cấp nước sạch…
Dù vậy, gần 100 hộ dân tại đây vẫn chưa được an tâm sinh sống. Ông Lý Trung đến làng tái định cư đã gần 1 năm nay cho biết: “So với chỗ ở cũ (trong rừng phòng hộ) an tâm hơn rất nhiều, nhưng về đây rất khó sống vì chẳng biết làm gì. Đi biển thì không có phương tiện, làm công thì giá thấp nên tôi mua cá về làm khô bán kiếm sống qua ngày“.
Sáu mươi căn nhà đợt đầu được cấp cho người dân, nhưng họ vốn quen với nghề đi biển, chuyện ở gần như không quan trong với họ bằng miếng cơm manh áo chính vì vậy đã có nhiều người bỏ làng đi nơi khác làm công nhân. Nhìn những cánh cửa đóng kín đợm nét rêu phong, tôi biết sẽ khó giữ chân họ nếu như không giao cho họ một nghề đủ nuôi sống bản thân.
Người giàu nhất làng tái định cư Hố Gùi có lẽ là ông Huỳnh Ên. Nhưng trớ trêu, gia đình ông không phải khá lên từ nghề đi biển mà bằng nghề trồng màu đem từ quê hương Vĩnh Châu về. Với diện tích chỉ vài trăm mét vuông, gia đình ông trồng rau màu đủ loại từ ớt, hành, hẹ cho đến rau muống, ngò gay… mỗi ngày thu về không dưới 150.000 đồng. Nhờ chí thú làm ăn và chi tiêu tiết kiệm nên gia đình ông có đầy đủ tiện nghi trong sinh hoạt, con cái học hành đàng hoàng.
Dù biết hiểm nguy đang rình rập mình nơi đầu sóng, nhưng những cư dân ven biển vẫn chưa tha thiết với việc di chuyển vào nơi an toàn, bởi lẽ ở đó họ chẳng biết làm gì để sinh sống. Đây có lẽ là bài toán nan giải nhất cho công tác tái định cư của Cà Mau trong thời gian tới.