Điều trị thành công sốt xuất huyết do Ebola ở khỉ

ThienNhien.Net – Một điều trị thử nghiệm bệnh sốt xuất huyết do virút Ebola gây ra có tiềm năng cứu sống con người đã được chứng tỏ là hoàn toàn có hiệu quả ở loài khỉ.


“Nếu được chấp thuận áp dụng cho con người thì đây sẽ là phương thức điều trị đầu tiên cho căn bệnh chết người này” – nhà vi sinh học Thomas Geisbert thuộc Viện thí nghiệm các bệnh truyền nhiễm mới nổi trụ sở tại Hoa Kì khẳng định.

Virút Ebola dẫn tới sốt, nôn mửa, tiêu chảy và đôi khi chảy máu, nó giết chết tới 90% số người bị nhiễm bệnh. Virút này lây lan qua việc tiếp xúc trực tiếp với máu bị nhiễm bệnh, mô và dịch cơ thể, hoành hành chủ yếu ở khu vực hạ sa mạc Sahara thuộc Châu Phi.

Mặc dù đã có vắc xin bảo vệ loài khỉ khỏi lây nhiễm song vẫn chưa có chủng ngừa hay thuốc điều trị nào được áp dụng cho con người.

Một nghiên cứu lý thuyết vừa được công bố trên Tạp chí The Lancet đã mô tả phương thức điều trị mới bằng cách sử dụng RNA – một dạng vật liệu di truyền tương tự DNA, với mục tiêu nhằm vào ba prôtêin của virut và gây trở ngại cho vòng đời của chúng, ngăn chặn sự tự nhân lên của virut.

Nghiên cứu này dựa trên kết quả làm việc của nhóm của nhà nghiên cứu Geisbert khi họ cứu chữa thành công những con chuột lang bị nhiễm virút Zaire Ebola – căn bệnh dễ chết nhất bởi những can thiệp nhỏ vào RNA của chúng.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu Geisbert cũng đã chữa khỏi bệnh cho loài khỉ nâu vùng nhiệt đới bằng cách tiêm cho chúng thuốc kháng virut đều đặn trong bảy ngày, với mũi tiêm đầu tiên nửa giờ sau khi nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, để áp dụng phương thức điều trị này ở châu Phi nhằm chống lại sự bùng phát Ebola thì là cả “một vấn đề về tiền bạc”. “Nó chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho Trung Phi nhưng các quốc gia cần phải thúc đẩy các cơ quan quốc tế có quan hệ đối tác cung cấp các nguồn quỹ để có được công nghệ này” – Geisbert cho biết.

Chỉ tính riêng chi phí cho mỗi con khỉ nâu đã lên tới 7.000 đô la Mĩ và 90 đôla cho việc duy trì trong phòng thí nghiệm. Trong khi đó, rất cần có nhiều hơn nữa các nghiên cứu trên động vật để có thể quyết định được liều lượng và sự an toàn cho việc điều trị ở người.

“Chúng ta không thể làm bất kì điều trị nào trên con người nên chúng ta buộc phải dựa vào các thí nghiệm tiến hành trên động vật” – nhà nghiên cứu Heinz Feldmann (Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Hoa Kì) khẳng định.

Nhà virút học Eric Leroy (Trung tâm nghiên cứu y học quốc tế tại Franceville, Gabon) cho biết, đây là một hướng điều trị đầy hứa hẹn thành công ở người, nhưng thời gian ủ bệnh ở người có thể dài tới 21 ngày, do đó bất cứ điều trị nào cũng phải được thực hiện ngay sau khi nhiễm bệnh.

Sốt xuất huyết do virút Ebola là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất thế giới. Bệnh thường gây tử vong ở người và nhóm động vật có đặc điểm gần với người (khỉ, vượn, tinh tinh). Bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976 tại Cônggô, sau đó lan sang một số quốc gia châu Phi khác như Suđăng, Uganda…

Có nhiều cách lây lan nguồn bệnh, trong đó nguy hiểm hơn cả là lây lan do tiếp xúc trực tiếp với máu và/hoặc chất dịch tiết ra từ người hoặc động vật bị nhiễm bệnh. Triệu chứng khi nhiễm virus Ebola thường là sốt cao, đau đầu, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi, nôn mửa, nổi ban, tiêu chảy và đôi khi chảy máu.