ThienNhien.Net – Các kết quả nghiên cứu quan trắc mới đây cho thấy, tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Hòn Gai, Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu… nguồn nước ngầm đang có những dấu hiệu cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nghiêm trọng. Đây là một trong những hệ luỵ của sự phát triển đô thị và gia tăng dân số quá nhanh trong khi chính sách bảo vệ nguồn tài nguyên còn chưa đủ hiệu quả.
Theo thống kê sơ bộ của Cục Quản lý Tài nguyên Nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng nước khai thác sử dụng cho các đô thị là vài trăm đến hàng triệu mét khối/năm, trong đó khoảng 50% nguồn nước cung cấp cho các đô thị được khai thác từ nguồn nước ngầm.
Chính tốc độ khai thác quá nhanh và không theo quy hoạch như vậy đã gây cạn kiệt nguồn nước ngầm, mực nước các tầng chứa nước bị hạ thấp liên tục theo thời gian, chất lượng nước dưới đất nhiều nơi bị suy giảm, ô nhiễm cục bộ.
Đặc biệt, công tác thu gom chất thải rắn, xử lý nước thải tại nhiều đô thị còn rất sơ khai, dẫn đến tình trạng nguồn nước bẩn, các chất nguy hại thấm sâu làm ô nhiễm nguồn nước…
Đây đang là vấn đề nan giải, làm “đau đầu” các cấp quản lý. Trong khi chúng ta có hẳn một bộ Luật về Tài nguyên nước, thì dường như các giải pháp thực tế để bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả.
Gần đây nhất, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã lập hẳn một Đề án bảo vệ tài nguyên nước dưới đất ở các đô thị lớn, với kỳ vọng sẽ phòng ngừa, hạn chế các tác động gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước ngầm, đồng thời phục hồi, cải thiện nguồn nước dưới đất tại các khu vực đô thị lớn. Thế nhưng, cho tới nay, Đề án đó vẫn chỉ tồn tại trên giấy.
Vẫn biết, khai thác nguồn nước ngầm để phục vụ phát triển các đô thị là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, việc hạn chế khai thác và đưa ra những giải pháp bảo vệ còn cấp bách hơn.