Rừng đau vì… gỗ quý

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, đặc biệt là khoảng một tháng nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai, mà nóng nhất là huyện Krông Pa, Ia Grai, Kon Chro và Kbang, xuất hiện nhiều tư thương từ thành phố Hồ Chí Minh ra, từ Hà Nội vào lùng sục tìm mua từng ký gỗ trắc, gỗ huỳnh đàn (kể cả thân cây, rễ, cành) với giá từ 3000 đến 5000 đồng/1kg. Nhiều người dân vì thế đã bỏ bê nương rẫy, đi tìm gỗ trắc, gỗ huỳnh đàn để bán và theo đó nhiều cánh rừng đã bị tàn phá, nhiều diện tích rừng bị thu hẹp.

Rừng ngã xuống vì giá gỗ lên cao

Gỗ trắc, một loại gỗ nằm trong nhóm 1A thường được đồng bào các dân tộc thiểu số dùng làm cột nhà rông, đóng giường tủ và các đồ nội thất khác trong gia đình.

Không biết số gỗ này được vận chuyển về đâu và làm gì nhưng từ tháng 3/2010 đến nay, cơn sốt săn tìm mua gỗ trắc rộ lên khắp các địa phương trong tỉnh Gia Lai. Người ta mua tất, kể cả gỗ nguyên khúc, gỗ đã cắt xẻ, dài ngắn, to nhỏ, tươi khô, bao nhiêu cũng mua, thậm chí cả rễ và thứ gỗ dăm mục.

Có mặt tại xã Ia Khai huyện Ia Grai cách thành phố Pleiku chừng 40 km, là địa bàn được coi là “nóng nhất” trong vùng, chúng tôi được ông Pui Dinh – Trưởng Công an xã Ia Khai cho biết: “Thời gian qua, không những trên địa bàn xã mà cả những vùng lân cận, đi đâu cũng nghe người dân nói về những nơi có gỗ trắc, cách tìm kiếm, khai thác và vận chuyển để “qua mắt” được cơ quan chức năng. Chẳng ai biết cái thứ gỗ này dùng làm gì mà người ta lùng sục mua nhiều đến thế. Trên địa bàn xã, không nơi nào, làng nào không có người đi tìm gỗ trắc để bán. Người già, trẻ nhỏ sức yếu không vào được rừng sâu để tìm, để chặt thì đi gùi thuê, mỗi ngày cũng được gần cả trăm ngàn. Còn lũ thanh niên các làng Kon Bông, Kon Lốc thì bỏ bê cả nương rẫy, thậm chí tháo cả cột nhà ra bán… Xã đã họp dân tuyên truyền rồi, nhưng xem ra vẫn không hiệu quả mấy, cơn sốt tìm mua gỗ trắc gỗ huỳnh đàn vẫn cứ tiếp tục, những cánh rừng có gỗ trắc và gỗ huỳnh đàn vẫn cứ bị tàn phá, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

 

 Gỗ trắc bị bắt giữ tại Gia Lai

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, mặc dù là điểm nóng nhưng Đăk Roong (Kbang) chủ yếu vẫn là hành lang vận chuyển huỳnh đàn, gỗ trắc, còn tâm điểm thực sự phải là địa bàn lâm trường Krông Pa đứng chân trên địa phận xã Kroong của huyện Kbang.

Cùng chúng tôi đứng nhìn về phía cánh rừng không xa trước mặt, ông Nguyễn Đức Giáo – Giám đốc lâm trường Krông Pa cho biết: “Lực lượng bảo vệ rừng canh chỗ này thì chỗ kia chúng lén lút vận chuyển, rất khó quản lý; thậm chí bọn lâm tặc còn thuê cả trẻ em, học sinh vận chuyển và tất nhiên chúng cũng trả rất “hậu”: chỉ 0,02m3 trên một đoạn đường dài khoảng 20km chúng trả từ 400 000 đến 500.000 đồng. Tệ hại hơn chúng còn sử dụng các em nhỏ để làm “hàng rào” ngăn cản mỗi khi bị lực lượng kiểm lâm phát hiện đuổi bắt. Từ đầu tháng 6 đến giờ chẳng đêm nào tôi được ngủ yên giấc. Cả đời làm nghề rừng chưa khi nào tôi phải đối phó với nạn phá rừng vất vả và dai dẳng thế này”.

Được coi là “rốn” gỗ huỳnh đàn và gỗ trắc nên lâm tặc trên địa bàn lâm trường đổ về từ khắp nơi, có kẻ tận Hà Tĩnh vào, lại có kẻ từ Đắk Lăk, Kon Tum xuống, cùng với một số “đầu nậu” trú tại chỗ… làm cho tình hình an ninh – chính trị , trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Kbang có lúc “nóng lên” cao độ.

Do không cần nguyên khúc, thước tấc như với các loại gỗ khác nên lâm tặc có thể biến hóa việc mua bán, vận chuyển trong vô vàn phương cách: có kẻ rạch yên xe máy rồi nhồi gỗ vào trong; có kẻ để gỗ vào những chiếc vali rất đẹp, ăn mặc bảnh bao ngụy trang như cán bộ đi công tác; có kẻ thì mặc áo rét để tuồn gỗ vào bụng; lại có kẻ tháo cả bình xăng xe máy để lấy chỗ giấu gỗ rồi câu bình xăng ra ngoài…

Không thể kể hết những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hòng qua mặt lực lượng chức năng… song khó khăn nhất là tìm bắt những kẻ khai thác. Rừng thì mênh mông, tìm thấy gỗ lâm tặc chỉ cần vạc mấy miếng cũng đủ – không gây tiếng động, không để lại dấu vết. Và không cứ ban ngày, ban đêm chúng cũng vào rừng khai thác. Lực lượng lâm trường phát hiện được chúng đã khó, bắt được, khống chế để xử lý cũng không dễ dàng vì bọn này rất đông đảo và côn đồ. Không quy luật, không giờ giấc, bất chấp thời tiết, sử dụng bất cứ phương tiện nào, lợi dụng bất cứ ai là dân tại chỗ… đấy là phương châm hoạt động của lâm tặc…

“Máu rừng” bao giờ thôi chảy?

Cho đến bây giờ ngay cả những người ở cương vị lãnh đạo trong ngành lâm nghiệp cũng không thể biết giá trị cuối cùng của một khối gỗ huỳnh đàn khi ra thị trường. Tuy nhiên, theo phỏng đoán và đồn đại thì 1m3 gỗ huỳnh đàn ra khỏi huyện sẽ có giá không dưới ba trăm triệu đồng. Căn cứ vào lời khai của một số lâm tặc bị bắt thì chỉ 2 phân khối (0,02m3) huỳnh đàn từ địa bàn Kroong chở ra thị trấn Kbang (40km) nếu trót lọt, người chở thuê đã được trả công 500.000 đồng.

Việc nước ngoài mua huỳnh đàn để phục chế cung điện hay làm hương liệu ướp xác mới chỉ là những lời đồn chưa có căn cứ. Tuy nhiên chắc chắn gỗ huỳnh đàn phải có những giá trị sử dụng đích thực thì lâm tặc mới săn lùng và mua với giá như vậy. Và với cái giá khủng khiếp đó thì – nói như ông Nguyễn Đức Giáo – có “cắt cổ” lâm tặc cũng không ngán, nói gì chỉ xử phạt bằng tiền hay thậm chí đi tù (!)

 

 Gỗ huỳnh đàn và xe chở gỗ lậu bị bắt giữ tại lâm trường Krông Pa

Theo ông Lê Quốc Chính – Phó Giám đốc Lâm trường Đăk Roong: Từ khi bùng phát cơn sốt mua bán gỗ huỳnh đàn, chính quyền và các cơ quan chức năng huyện Kbang đã vào cuộc khá quyết liệt. Ngoài lực lượng công an, du kích xã và các lâm trường, huyện còn thành lập “Đội kiểm tra, truy quét chống lâm tặc” chốt chặn các ngả đường, kiểm tra chặt chẽ mọi phương tiện giao thông. Chỉ riêng lâm trường Krông Pa từ đầu năm 2009 đến nay đã phát hiện gần 100 vụ, trong đó có 70 vụ vận chuyển, cất giấu gỗ huỳnh đàn trái phép. Tuy nhiên những kết quả đạt được chỉ có tính chất làm dịu chứ chưa thể ngăn chặn triệt để nạn săn gỗ huỳnh đàn. Vì huỳnh đàn được bán với giá rất cao so với các các loại gỗ khác, nên đã kích thích người dân đổ xô đi khai thác trái phép, bất chấp sự ngăn cấm của chính quyền.

Thực tế hiện nay các đầu nậu chỉ mới bị đánh động nên đã thay đổi phương thức hoạt động như xé lẻ lượng gỗ vận chuyển; tổ chức thành nhiều trạm trung chuyển để dễ tẩu tán tang vật ; “điều khiển từ xa” không lộ mặt và tinh vi hơn chúng còn đưa tiền trước cho dân đi đào, chặt cây, trả tiền trung chuyển từng đoạn, miễn sao gỗ huỳnh đàn ra được khỏi rừng…

Huỳnh đàn thực ra là gỗ giáng hương quả to, tên khoa học là Pterocarpus. Giáng hương có các loài: giáng hương quả to, huê mộc, hương mộc, giáng hương Campot (trước đây được coi là 3 loài khác nhau). Giáng hương thuộc loại gỗ nặng, được xếp vào nhóm I trong bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng (Ban hành kèm QĐ2198 ngày 26/11/1997 của Bộ Lâm nghiệp ). Theo danh mục động, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm (ban hành kèm Nghị định 32/ngày 30/3/2006) giáng hương được xếp nhóm II, là loại thực vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
(Theo Kết quả giám định tên loại gỗ ngày 30/6/2006 của Phòng nghiên cứu Tài nguyên Thực vật Rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam)

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc xử lý là khối lượng gỗ bắt được quá ít, không đủ điều kiện để truy tố (theo NĐ139 lượng gỗ phải từ 5m3 trở lên). Thêm nữa, việc bỏ các trạm kiểm soát cố định theo QĐ59 đã gây khó khăn rất lớn cho cơ quan chức năng…

Trong điều kiện đặc thù của nạn săn huỳnh đàn, các cơ quan chức năng hiện chỉ có biện pháp hiệu quả nhất là phối hợp với địa phương kiểm tra chặt chẽ địa bàn và các phương tiện xe cộ dưới dạng …an toàn giao thông!

Trước diễn biến phức tạp đó, để giữ được “máu rừng”, Lâm trường Krông Pa đã bỏ tiền ra hỗ trợ cho lực lượng dân quân xã 20.000đ người/ngày (chưa kể xăng xe). Trung bình mỗi tháng Lâm trường phải chi phí trên 3 triệu đồng để lực lượng này tham gia giữ rừng.

Khó khăn lớn nhất trong việc ngăn chặn “cơn sốt” huỳnh đàn được cho là vì đến nay vẫn chưa xác định được chính thức “kẻ cầm đầu có tổ chức” việc thu mua này.

Có thể nói, công tác quản lý và bảo vệ rừng nói chung, bảo vệ cây huỳnh đàn, cây trắc khỏi bị khai thác trái phép nói riêng đang là vấn đề nan giải, thách thức đối với các ngành chức năng. Nếu trong thời gian tới, các cơ quan, ban nghành chức năng của tỉnh Gia Lai vẫn loay hoay, bế tắc trong cách giải quyết thì e một ngày không xa trên những cánh rừng Gia Lai và Tây Nguyên sẽ không còn bóng dáng của những cây huỳnh đàn, cây trắc toả bóng che phủ đất đỏ Bazan xanh tốt phì nhiêu nữa.