ThienNhien.Net – Tại buổi làm việc giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Y tế chiều 08/07, hai Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên và Nguyễn Quốc Triệu đã nhất trí cùng tăng cường hợp tác để đưa ra các chính sách vĩ mô về sức khỏe môi trường. Đồng thời phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề môi trường trong các cơ sở y tế, hạn chế những ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe người dân.
“Chỉ tiêu đánh giá môi trường cuối cùng chính là sức khỏe người dân. Thế nhưng hiện chúng ta mới chỉ quản lý chất lượng nguồn nước, môi trường, không khí… mà chưa có một đánh giá toàn diện, tổng thể, khoa học về biến đổi môi trường tới cơ cấu bệnh tật, sức khỏe con người. Sức khỏe môi trường không chỉ đơn thuần là xử lý ô nhiễm các cơ sở y tế mà rộng hơn, phải xem xét từ “đầu nguồn” để giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu bệnh tật”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định.
Do đó, theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, hai ngành Y tế và Môi trường phải phối hợp đánh giá “trước đường ống”, lường trước những hậu quả của tàn phá môi trường đến sức khỏe, chứ không phải đến khi sự cố môi trường xảy ra mới vội vàng xử lý “phần ngọn”. Đó chính là cơ sở quan trọng để đưa ra những chính sách bảo vệ môi trường cũng như chăm sóc sức khỏe người dân.
Đồng thời, chúng ta cần đánh giá việc phát triển các khu công nghiệp ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người dân sống xung quanh. Hay việc các nhà máy hóa chất, xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng đang gia tăng sẽ tác động theo hướng nào đến cuộc sống… Từ những nghiên cứu đó, các cơ quan sẽ đưa ra các tiêu chí về số lượng, quy mô… nhà máy ở một khu vực dân cư, hoặc đưa ra các quyết định di dời, đóng cửa, hoặc không được xây dựng mới các nhà máy, khu công nghiệp làm ảnh hưởng đến môi trường sức khỏe.
Trước ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng đồng tình và cho rằng muốn có sức khỏe tốt không thể thoát ly việc bảo vệ môi trường. “Sự phát triển kinh tế xã hội thời gian qua của nước ta có bước tiến đáng kể. Song một phần đã “ăn” vào môi trường, làm môi trường ô nhiễm, làm bệnh tật mới phát sinh. Phải tính cho được cái giá mà môi trường phải trả mới duy trì phát triển bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nói.
Xuất phát từ đó, hai Bộ trưởng đã thống nhất sẽ xây dựng Quy chế phối hợp chung giữa hai Bộ, xây dựng Chiến lược sức khỏe môi trường và một năm sẽ làm việc 2 lần để tổng kết, đánh giá công việc phối hợp.
Trước mắt, hại Bộ sẽ phối hợp cùng xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như đầu tư hệ thống xử lý môi trường tại các bệnh viện ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong 3 năm tới.
“Vấn đề khó nhất chính là lựa chọn công nghệ xử lý bởi chất thải y tế cần có quy trình xử lý đặc biệt. Cục Quản lý Môi trường Y tế nên có quy định đánh giá các công nghệ xử lý và cấp chứng chỉ công nghệ đạt chuẩn”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên lưu ý.
Ngoài ra, một loại chất thải y tế hiện vẫn bị “thả nổi” chưa quản lý được, đó là “thuốc thải”. Thuốc người dân sử dụng không hết, thuốc quá hạn thường bị bỏ chung vào rác thải sinh hoạt. Thế nhưng những hoạt chất trong thuốc lại ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước khi xử lý chung với rác sinh hoạt. Bởi vậy, hai Bộ cũng cần phối hợp để xử lý loại chất thải này.