ThienNhien.Net – Với mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu các loại máy móc, thiết bị chế biến nông-lâm-thuỷ sản trình độ tiên tiến của khu vực, mới đây, Bộ Công Thương đã quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất thiết bị chế biến nông – lâm – thủy sán đến năm 2015, có xét đến năm 2025.
Cụ thể, đến năm 2015, giá trị sản xuất đạt 5.710 tỷ đồng, năm 2020 khoảng 10.520 tỷ đồng và năm 2025 đạt khoảng 18.540 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 45-50 triệu USD.
Theo đó, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển các ngành: thiết bị chế biến lúa gạo, thiết bị chế biến sắn, thiết bị chế biến cao su, thiết bị chế biến chè, thiết bị chế biến mía đường, thiết bị chế biến điều, thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi, thiết bị sản xuất cồn nhiên liệu, thiết bị chế biến ván nhân tạo, thiết bị chế biến thuỷ hải sản.
Cùng với đó, các sản phẩm chủ lực bao gồm: máy phân loại hạt; máy xát trắng gạo; các hệ máy ép và nấu đường công suất 3.000 tấn mía ngày trở lên; dây truyền chế biến cà phê kiểu ướt công suất 4-10 tấn/giờ; hệ thống thiết bị cắt tách vỏ cứng hạt điều công suất 1 tấn/giờ; dây chuyền thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 150 tấn /ngày. Đảm bảo đến năm 2020, các thiết bị trên đáp ứng 60% – 80% nhu cầu trong nước. Tổng vốn đầu tư cho đến năm 2025 khoảng 20.955 tỷ đồng.
Cũng theo Quy hoạch này, các thiết bị chế biến nông – lâm – thủy sản sẽ được ưu tiên đưa vào chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu hàng năm. Doanh nghiệp sản xuất nhóm thiết bị này sẽ được hỗ trợ từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học – công nghệ Quốc gia và Quỹ khuyến công.