Đồng Nai: Vẫn “đau đầu” về vấn đề ô nhiễm

ThienNhien.Net – Đã từ nhiều năm nay, ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề nóng ở Đồng Nai, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Vấn đề này đã được xoáy sâu trong phiên chất vấn đại biểu tại kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa VII vừa qua.


Gây bức xúc nhiều nhất cho các đại biểu là vấn đề ô nhiễm nguồn nước làm cá bè ở 2 phường Tân Mai và Thống Nhất chết hàng loạt trong thời gian gần đây. Thêm vào đó, quy hoạch làng cá bè đã được UBND tỉnh phê duyệt từ 4 năm nay nhưng tới giờ vẫn chưa được triển khai, trong khi đó, số hộ nuôi ngày càng tăng cũng tạo ra áp lực lớn cho môi trường.

Lý giải về điều này, ông Lê Viết Hưng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nguồn nước tại hai phường này thường xuyên chịu tác động của nhiều nguồn nước thải có nồng độ ô nhiễm cao từ Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1; nước thải của một số cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp, chủ yếu là của Nhà máy giấy Tân Mai; nguồn nước thải sinh hoạt của thành phố Biên Hòa và chất thải từ hoạt động nuôi cá bè.

Hiện KCN Biên Hòa 1 có 103 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 20 doanh nghiệp được đưa vào danh sách các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hàng ngày các doanh nghiệp này phát sinh khoảng 6.500 m3 nước thải công nghiệp trong khi hệ thống thu gom nước thải không hoàn chỉnh nên mỗi ngày còn khoảng 6.000 m3 nước thải được xử lý cục bộ rồi thải ra sông. Riêng Nhà máy giấy Tân Mai, mỗi ngày thải khoảng 4.500 m3 nước thải công nghiệp ra sông.

Bên cạnh đó, do chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt nên mỗi ngày thành phố Biên Hòa thải ra sông và các con suối khoảng 40.000 m3 nước thải/ngày. Đặc biệt, với quy hoạch chỉ cho phép 121 hộ nuôi cá bè thì hiện nay đã có khoảng 650 hộ nuôi cá bè. Cùng với sự phát triển về quy mô là tình trạng ô nhiễm nguồn nước do thức ăn chăn nuôi gây ra.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý về tài nguyên và môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị nhanh chóng chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1; xây dựng hệ thống xử lý nước thải thành phố; di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu đô thị, trong đó có Nhà máy giấy Tân Mai; quy hoạch và quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi cá bè; nạo vét suối Săn Máu; triển khai các dự án bảo vệ môi trường nguồn nước sông Đồng Nai.

Không chỉ riêng vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở làng cá bè, trên địa bàn tỉnh còn có tới 123 công ty, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất vẫn còn nằm trong danh sách đen gây ô nhiễm. Đặc biệt là tình trạng chây lỳ, không một hành động khắc phục của một số cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, nếu đến cuối năm nay, các cơ sở này không có động thái khắc phục, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành xử lý theo 03 hình thức đình chỉ, di dời và cấm hoạt động.